“Gỡ vướng” cho loại hình căn hộ du lịch như thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa tạo thuận lợi cho sản phẩm bất động sản du lịch mới này có cơ hội phát triển, là vấn đề đang đặt ra.
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về quản lý căn hộ du lịch, tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, ông Trần Sơn Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, căn hộ du lịch nằm trong các dự án là sản phẩm sản xuất kinh doanh và có thời hạn. Từ “căn hộ” khiến cho nhiều người, kể cả chủ đầu tư bị ngộ nhận, nếu không muốn nói là lợi dụng “khai thác” cụm từ “căn hộ”, dẫn đến phát sinh những vấn đề trong thời gian qua. Hợp đồng mua bán căn hộ du lịch không phải đăng ký theo mẫu quy định, mà là sự thỏa thuận đơn phương giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ, do đó có sự không thống nhất về cơ chế, chính sách.
|
|
Nguồn cung căn hộ du lịch đang rất dồi dào |
Về phía quản lý nhà nước, ông Hải cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thấy trước được một số vấn đề trong quá trình khai thác, vận hành căn hộ du lịch, cụ thể về thuế, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, nhất là với trường hợp người mua căn hộ (nhà đầu tư thứ phát) tự đứng ra khai thác hoặc giao lại cho một doanh nghiệp có chức năng (bên thứ ba) khai thác. Vấn đề đặt ra: chủ căn hộ không có đăng ký kinh doanh hoạt động dịch vụ lưu trú thì có được kinh doanh, hay cứ mua căn hộ thì có quyền kinh doanh, cho thuê?
Ông Hải cho rằng, dù thế nào thì yêu cầu vẫn phải quy về một đầu mối là chủ đầu tư để quản lý, bởi thực chất nhà đầu tư chỉ cho thuê căn hộ, nhưng các dịch vụ đi kèm theo chủ căn hộ vẫn phải thanh toán lại cho chủ đầu tư, về vệ sinh môi trường, dịch vụ thang máy, bến bãi đậu xe, internet, viễn thông,..
Ông Hải lưu ý, căn hộ du lịch có thời gian sở hữu theo thời gian của dự án và không phải nhà ở, do đó không được đăng ký hộ khẩu, không tuân thủ theo Luật Nhà ở mà theo Luật Du lịch. Vì vậy, khi tham gia thị trường bất động sản này, khách hàng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ các điều khoản ràng buộc giữa hai bên khi ký hợp đồng mua bán căn hộ du lịch.
Trả lời báo chí về hướng “gỡ vướng” cho căn hộ du lịch, ông Nguyễn Hoạt - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện Khánh Hòa có hơn 15 dự án có loại hình căn hộ du lịch, với trên 15.000 căn hộ đã và đang triển khai xây dựng, trong đó có hơn 2.000 căn đã đưa vào khai thác kinh doanh. Trong vài năm tới, bất động sản nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa sẽ đưa ra thị trường khoảng gần 20.000 sản phẩm. Phần lớn bất động sản nghỉ dưỡng bao gồm căn hộ du lịch nằm trong các tòa nhà cao tầng có mục đích sử dụng hỗn hợp. Người sở hữu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng này không được sử dụng căn hộ du lịch làm nhà ở mà chỉ được sử dụng vào mục đích làm cơ sở lưu trú du lịch.
Tuy nhiên, do đây là một loại sản phẩm bất động sản mới đối với Việt Nam, nên các văn bản pháp luật liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn căn hộ du lịch cũng như quy định về quản lý vận hành vẫn còn chưa rõ ràng, dẫn đến xảy ra những xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng, cũng như chưa đảm bảo về an ninh trật tự, cơ chế thuế… Ngoài ra, từ chỗ “vướng” vấn đề pháp lý về sở hữu, cụ thể là giấy chứng nhận sở hữu tài sản cho condotel, nên loại hình này mặc dù nguồn cung rất dồi dào và chính sách lợi nhuận khá hấp dẫn, linh hoạt, nhưng nhiều khách hàng tiềm năng còn e ngại. Điều này sẽ cản trở việc phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
“UBND tỉnh Khánh Hoà cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc này. Ngoài ra, căn hộ du lịch cần được xem là một tài sản, phải được cấp quyền sở hữu, từ đó mới tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thứ cấp”- ông Hoạt, nói.
Vũ Ngọc Anh - Nguyễn Huân