Hơn 20 tỷ đồng cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ
Cập nhật lúc 10:53, Thứ sáu, 05/07/2013 (GMT+7)
UBND TP Đà Nẵng vừa quyết định đầu tư 20,3 tỷ đồng để cải tạo lại cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ. Sau khi hoàn thành việc cải tạo, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ là cây cầu đi bộ đầu tiên ở Đà Nẵng.
Theo ông Lê Văn Trung, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng kiêm Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông công chính Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý chủ trương cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Cây cầu này sẽ được cải tạo vào tháng 8 tới, thời gian thi công dự kiến kéo dài ba tháng bằng việc sơn lại hệ thống vòm cầu, nâng nhịp tĩnh thông thuyền từ 4,5 m lên 7 m, đồng thời hoàn thiện nút giao thông hai đầu cầu. Tổng kinh phí cho dự án tối đa không quá 20,3 tỷ đồng.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng vào năm 1965 nối liền bờ tây và bờ đông của TP Đà Nẵng và là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn. Cây cầu này do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. Cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni dài hơn 500 m, khổ cầu 10,5 m, không có lề dành cho người đi bộ và từng được sửa chữa năm 1978 và 1996. Trước khi có cầu quay Sông Hàn vào năm 2000, cầu Nguyễn Văn Trỗi là nơi duy nhất của Đà Nẵng để phương tiện giao thông đường bộ có thể vượt sông mà không phải sử dụng thuyền, phà.
Theo kế hoạch, khi cầu Trần Thị Lý xây dựng xong và khánh thành ngày 29-3-2013, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tháo dỡ.
Tuy nhiên, trong lần thị sát công trình này đầu tháng 2-2012, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu giữ lại cây cầu này để làm cầu đi bộ, tạo điểm dừng chân cho du khách ngắm nhìn thành phố trên sông Hàn.
Họa sĩ, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, người có nhiều đóng góp cho việc xây dựng, phát triển TP Đà Nẵng quả quyết: “Quyết định giữ lại cây cầu là của chính quyền còn việc để cây cầu mãi sống trong lòng Đà Nẵng hãy dành cho nghệ sĩ chúng tôi. Việc giữ lại và biến cầu Nguyễn Văn Trỗi thành phố đi bộ, sẽ giúp sông Hàn giữ được nét đáng yêu, quê mùa như ký ức người Đà Nẵng mà vẫn đi cùng sự vận động không ngừng của Đà Nẵng”.
Theo Nhân Dân