Đến dự Hội thảo, về phía địa phương, có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Nam - Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, lãnh đạo chủ chốt các sở ngành của tỉnh. Dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu; đại điện lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng; các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận.

Tại buổi khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận mong muốn, với các góc độ khác nhau, các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến đóng góp nhằm giúp cho Ninh Thuận có xu hướng phát triển mới, nhất là các lĩnh vực trọng điểm, các ngành kinh tế động lực và các giải pháp hữu hiệu có giá trị hiện thực cao, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Quốc Nam - Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu.

Đồ án “Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được xây dựng trên cơ sở thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt với nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, căn cứ trên Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 xác định tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là: “Xây dựng Ninh Thuận là điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.

Sau khi lấy ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao tư vấn trong nước lập Quy hoạch tỉnh là Viện Nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn và Công ty Cổ phần Công nghệ cao nghiên cứu thực hiện. Quá trình triển khai xây dựng quy hoạch, tổ tư vấn đã làm việc với gần 150 cuộc với các sở ban ngành và địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh, các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tiềm năng …để xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh.

leftcenterrightdel
 PSG - TS Hoàng Vĩnh Hưng, Phó viện Trưởng Viện quy hoạch Đô thị - Bộ Xây dựng đóng góp ý kiến.

Đồ án “Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có quan điểm phát triển “Tổng hợp nguồn lực, liên kết phát triển và tạo dựng giá trị khác biệt”. Mục tiêu tổng quát là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực, đưa quy mô nền kinh tế đến năm 2025 tăng 1,9 lần, và đến năm 2030 tăng 3,65 lần so với năm 2020. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Có 4 không gian phát triển được đề xuất, gồm: khu vực trung tâm Phan Rang Tháp Chàm và phụ cận đến Cồn cát Nam Cương - Thanh Hải, Ninh Hải để tập trung phát triển du lịch đô thị di sản, nghỉ dưỡng biển, ẩm thực. Không gian phía Đông Bắc có khu vực Vĩnh Hy, Bình Tiên, Núi Chúa và Thái An để phát triển du lịch sinh thái biển, rừng, nông nghiệp. Không gian phía Đông Nam có khu vực Cà Ná, Mũi Dinh được tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá tính độc đáo: cát, muối, biển. Không gian phía Tây được dành cho phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp sinh thái rừng, thác nước, tập trung khai thác theo điểm đến, chủ yếu phục vụ khách du lịch nội tỉnh.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ đóng góp ý kiến.

Sau 1 ngày làm việc khoa học và sôi nổi, Hội thảo đã ghi nhận được 15 ý kiến đóng góp có giá trị về nhiều lĩnh vực, như: giải pháp tổ chức không gian và phân vùng chức năng; các trụ cột và động lực tăng trưởng kinh tế, năng lượng, công nghiệp; phương hướng phát triển kinh tế biển; phát triển du lịch bền vững; ứng dụng công nghệ cao trong ngành trồng trọt, bảo quản, chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp; định hướng phát triển nguồn nhân lực, phát triển mũi nhọn kinh tế trọng điểm; vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý tài nguyên nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Nam - Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến xây dựng cho đồ án quy hoạch lần này, nhận thấy các nội dung góp ý đều có giá trị, sâu sắc, thẳng thắn, chất lượng, đầy tâm huyết có tính thực tiễn cao, đều là những vấn đề đáng ghi nhận mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đưa vào bổ sung, hoàn thiện Đồ án trong thời gian tới để trình Chính Phủ xem xét, phê duyệt./
Hồng Việt