Làm theo hướng dẫn rồi… bị bắt tháo dỡ

Ông H, chủ ngôi nhà tại đường 3.7/11 khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, tháng 8/2018, gia đình ông ký hợp đồng mua một căn hộ liền kề tại đường 3.7/11 khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens do Cty TNHH Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư. Sau khi được bàn giao căn hộ, gia đình đã tiến hành cải tạo lại căn nhà và chuyển về đây sinh sống.

leftcenterrightdel
 Thang máy lắp ở phía ngoài tại ngôi nhà trong Khu đô thị Gamuda.

“Khi nhận nhà, hồ sơ thiết kế xây dựng chính quyền cấp phép cho Dự án Gamuda Gardens gia đình chúng tôi không được cung cấp. Gia đình mua căn hộ chỉ được tiếp cận thông tin trên bản vẽ phối cảnh và các thông tin quảng cáo của Chủ đầu tư, hồ sơ Hợp đồng mua bán chỉ có sơ đồ và bản vẽ mô hình thiết kế chung. Ngày 12/5/2020, Ban quản lý khu đô thị cấp phép cho gia đình cải tạo hoàn thiện căn hộ cũng chỉ có một bản giấy A4, không có hồ sơ bản vẽ thiết kế”, ông H cho biết.

Theo ông H, trong quá trình cải tạo, gia đình ông có nhu cầu lắp đặt thêm thang máy. Khi hỏi Ban quản lý thì được trả lời việc cấp phép xây dựng bổ sung rất phức tạp và hướng dẫn gia đình không xây dựng thang máy phía ngoài bằng kết cấu khung cột bê tông kiên cố, chỉ được lắp dựng bằng vật liệu khung thép, vách kính, mang tính chất công trình tạm tương tự như các căn hộ khác trong dự án đã lắp dựng thang máy.

“Quá trình gia đình thi công hoàn thiện căn hộ cũng không tránh khỏi các sai sót,  Ban quản lý đã xử phạt bằng hình thức thu giữ không hoàn trả 20.000.000 đồng gia đình nộp đặt cọc trước khi thi công cải tạo”, ông H cho biết.

Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ngày 8/6/2021, gia đình ông Hưng  nhận được thông báo qua email của Ban Quản lý về việc UBND phường Yên Sở có giấy mời làm việc vào sáng ngày 9/6/2021 với nội dung: “Làm việc với chủ đầu tư và chủ các căn hộ vi phạm về hoạt động đầu tư xây dựng theo biên bản vi phạm hành chính số 23/BB-VPHC ngày 25/5/2021 của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai và Quyết định số 5639/QĐ-UBND ngày 1/6/2021 của UBND quận Hoàng Mai về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng tại khu thấp tầng Dự án C2 Gamuda trên địa bàn phường Yên Sở”.

Tại buổi làm việc ngày 9/6, đại diện UBND phường Yên Sở và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai cho biết, việc gia đình lắp đặt thang máy bên ngoài là vi phạm quy định và yêu cầu phải tháo dỡ. Đồng thời, một cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đưa biên bản vi phạm hành chính về hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó thể hiện được lập vào lúc 10h15’ ngày 9/6 tại gia đình ông và yêu cầu ký tên.

Ngày 15/6/2021, UBND quận Hoàng Mai ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và ngày 5/7/2021 có Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Việc này khiến gia đình ông bất ngờ bởi trước khi quyết định lắp đặt thang máy, gia đình đã làm việc trực tiếp và xin hướng dẫn của Ban quản lý khu đô thị, đồng thời cũng đã tham khảo thiết kế lắp đặt tương tự như rất nhiều các căn hộ khác tại khu đô thị này.

Nhiều công trình vi phạm vẫn không bị xử lý

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu đô thị Gamuda Gardens hiện nay, việc xây dựng bổ sung các hạng mục phía ngoài căn hộ (lắp thang máy, mở rộng sàn sử dụng, lắp đặt dàn hoa bằng thép phía trước sân, thay đổi mặt tiền…) khá phổ biến và đã diễn ra từ nhiều năm trước cho đến nay với hàng chục căn hộ đã đưa vào sử dụng.

leftcenterrightdel
 Nhiều nhà đã lắp thêm ban công sân mái ngoài bằng kính rộng đến 20-30 mét vuông.

Ngay như việc lắp thêm thang máy cũng đã có một số gia đình làm từ vài năm trước như nhà số 82 đường 3.3; nhà số 15 đường 3.7/1, nhà số 30 đường 3.7..... Ngoài ra còn nhiều nhà xây dựng thêm ban công sàn mái ngoài nhà rộng 20 - 30m2; xây dựng mở rộng thêm diện tích (1,1x1,7m) bằng kết cấu khung cột bê tông tường gạch từ tầng 1 đến tầng 4 tại vị trí góc khuyết ngoài. Đặc biệt tại căn nhà số 39 đường 3.8/4, dù có hai mặt tiền nhưng chủ nhân đã cho dựng cả một căn nhà bằng thép cao hai tầng diện tích hàng chục mét vuông...

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà này nằm ngay mặt đường và nhà thép lắp thêm đã tồn tại một thời gian dài, lẽ nào cán bộ thanh tra xây dựng không biết?

Nhưng điều không bình thường là trong khi cùng một lỗi vi phạm, nhưng có nhà thì bị xử lý, yêu cầu tháo dỡ nhưng nhiều nhà thì vẫn được cho tồn tại.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà số 15 đường 3.7/1 lắp thêm thang máy không có trong thiết kế.

Điều dư luận quan tâm là việc để tồn tại các hạng mục xây lắp thêm có quy mô lớn hơn, kiên cố như vậy mà vẫn tồn tại công khai, ổn định từ nhiều năm qua là do cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng đã cố tình làm ngơ? Bởi chắc chắn không có việc lực lượng này không biết khi việc cải tạo, xây thêm diễn ra trong thời gian dài và giữa thanh thiên bạch nhật. Vì vậy, nếu UBND quận Hoàng Mai quyết tâm lập lại trật tự xây dựng đô thị tại đây thì cần yêu cầu cơ quan chuyên môn tổng kiểm tra và xử lý tất cả các công trình vi phạm.

leftcenterrightdel
 Chủ nhân ngôi nhà số 39 đường 3.8/4 lắp cả một nhà thép 2 tầng rộng hàng chục mét vuông để trồng hoa.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai sai đều phải bị xử lý, chính quyền cần công bằng trong việc xử lý để người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, bởi chỉ có như vậy mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo Vnmedia