Theo quy hoạch, Hà Nội dự kiến sẽ di dời 4 bến xe lớn ở khu vực nội đô hiện nay là Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm và Mỹ Đình. Trước mắt, đến năm 2020, hai bến xe lớn là Gia Lâm và Giáp Bát sẽ được di dời trước. Với phương án này, các nhà xe và hành khách sẽ được bố trí về đâu để tiện đi lại?
 
BX Mỹ Đình cũng sẽ nằm trong diện phải di dời sau năm 2025. Ảnh: TG
BX Mỹ Đình cũng sẽ nằm trong diện phải di dời sau năm 2025. Ảnh: TG
 
Dời 2 bến Gia Lâm, Giáp Bát từ 2020
 
Theo tờ trình của Sở GTVT Hà Nội, BX liên tỉnh Gia Lâm có quy mô diện tích là 1,45ha. Bến này nằm sâu trong vành đai 3, dự kiến sau năm 2020 sẽ chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của BX Gia Lâm sẽ được điều chuyển về BX Cổ Bi, BX Đông Anh, BX Nội Bài và BX phía Nam (Ngọc Hồi). Như vậy, hành khách, nhà xe đang hoạt động tại BX Gia Lâm sẽ được di dời về các bến mới nêu trên. BX Mỹ Đình có diện tích là 3,5ha, bến này nằm cạnh đường vành đai 3, nơi có mật độ dân cư cao, dự kiến sau năm 2025 sẽ chuyển thành bãi đỗ xe, làm điểm đầu cuối xe buýt phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của BX Mỹ Đình sẽ được điều chuyển về BX Cổ Bi, BX Nội Bài, BX Phùng và BX phía Tây mới. Theo phương án này, các tuyến vận tải đang hoạt động tại BX Mỹ Đình cũng sẽ được phân bổ về các bến lân cận và hành khách sẽ tới các bến này để về quê.
 
BX Giáp Bát hiện có diện tích là 3,65ha, đây cũng là bến nằm sâu trong vành đai 3, cũng là khu vực có mật độ dân cư, giao thông cao, dự kiến sau năm 2020 bến này cũng được chuyển thành bãi đỗ xe, làm điểm đầu cuối xe buýt phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến xe ở BX này sẽ được điều chuyển về BX Cổ Bi, BX Đông Anh, BX Yên Nghĩa và BX Ngọc Hồi. Cùng đó, BX Nước Ngầm cũng sẽ được điều chuyển thành đầu mối giao thông công cộng sau năm 2025. Các tuyến ở BX này sẽ được chuyển về BX Cổ Bi và BX phía Nam (Ngọc Hồi). Tờ trình của Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, nguyên tắc bố trí các BX liên tỉnh nằm trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai 4 theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc. Số BX mới được xây dựng kết hợp với các điểm đầu, cuối của hệ thống buýt công cộng và gần nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị. Mục đích của việc bố trí này là thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có ở khu vực nội đô.
 
7 bến mới nằm ở vị trí nào?
 
Để đáp ứng nhu cầu vận tải của Thủ đô, theo quy hoạch sẽ có tổng cộng 7 BX mới được xây dựng quanh khu vực vành đai 4. Cụ thể, BX Nội Bài phục vụ các tuyến liên tỉnh phía Bắc sẽ được xây tại khu vực nút giao giữa cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Bắc Thăng Long - Nội Bài và giáp tuyến đường sắt đô thị số 6. Bến này quy hoạch rộng 7ha dự kiến quy mô là 10ha. Bến này tiếp nhận xe từ các tuyến QL2, cao tốc Hà Nội - Lào Cai của các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu. BX khách Đông Anh nằm tại điểm giao QL3 với đường vành đai 3 và giáp tuyến đường sắt đô thị số 4. Bến tiếp nhận xe từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và một số huyện của tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên vào trung tâm Hà Nội.
 
BX khách liên tỉnh phía Đông Bắc (BX Cổ Bi) nằm giữa vị trí kẹp giữa đường sắt vành đai và QL5 thuộc xã Cổ Bi (Gia Lâm), giáp tuyến đường sắt đô thị số 1. Bến này tiếp nhận xe từ QL1B, QL18, QL5 đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và một số huyện của tỉnh Thái Bình đi theo QL5. Diện tích của bến này là 10ha. BX khách phía Nam mới (Ngọc Hồi) nằm giữa QL1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Bến này thu hút xe từ QL1A, cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình từ các tỉnh phía Nam về Hà Nội, bến có diện tích là 11ha. Một trong 7 BX theo quy hoạch đã được xây dựng là BX Yên Nghĩa (Hà Đông), bến này phục vụ các xe về từ các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và các tỉnh phía Nam chạy theo đường Hồ Chí Minh.
 
BX phía Tây mới (huyện Hoài Đức) nằm cạnh nút giao vành đai 4 và Đại lộ Thăng Long, giáp tuyến đường sắt đô thị số 5, có diện tích 5ha. Bến này phục vụ khách của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Bến cuối cùng là BX Phùng nằm ở điểm giao giữa QL32 và đường vành đai 4, giáp tuyến đường sắt đô thị số 3. Bến tiếp nhận xe khách chạy trên QL32 từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lai Châu.
 
Ngoài các BX khách, Hà Nội cũng sẽ có 8 BX tải với tổng diện tích khoảng 99,4ha. Các bến này bao gồm: Nội Bài, Phù Lỗ, Yên Viên, Trâu Quỳ, Khuyến Lương, Ngũ Hiệp, Hà Đông, Phùng.

 

Theo Minh Anh/ Giadinh.net
.