Theo GS Đặng Hùng Võ, câu chuyện ở đây không phải là giải tỏa bằng được núi hàng tồn kho mà phải tìm ra chỗ có thể bán được, tạo ra chỗ sống có thể sống được.
 


Phát biểu tại Hội thảo “Bất động sản trước những cơ hội mới” diễn ra sáng 4/11, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong hơn 20 năm phát triển, thị trường bất động sản trải qua 3 lần sốt đất, trong đó có những lần giá tăng tới 10 lần tại các đô thị trường.
 
Tuy nhiên, từ năm 2011 tới nay, giá liên tục giảm và thị trường chia 2 phân khúc rõ rệt, có diễn biến trái ngược nhau. Trong đó, phân khúc giá cao giá giảm mạnh nhưng vẫn có rất ít giao dịch, kho bất động sản tồn đọng khoảng 100.000 tỷ đồng; phân khúc giá thấp (nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp cung rất thiếu mà cầu lại cao).

Nói về câu chuyện tồn kho bất động sản, ông Đặng Hùng Võ phát biểu: "Nhiều nơi có cho tôi ở tôi cũng không dám ở. Câu chuyện ở đây không phải là giải tỏa bằng được núi hàng tồn kho mà phải tìm ra chỗ có thể bán được, tạo ra chỗ sống có thể sống được. Đừng loay hoay với những bất động sản "cho ở không dám ở" mà hãy tìm cách thức khác đi".

Theo ông Võ, trước hết hãy tìm cách "giải tỏa" hàng tồn ở các dự án có thể ở (có đầy đủ cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh). Còn đối với những dự án "nằm giữa đồng không mông quạnh" trước mắt hãy để đó đã.

"Trên thực tế Vingroup vẫn bán được nhà và bán tốt. Nhiều dự án của các chủ đầu tư khác ở các vị trí thuận lợi, hạ tầng tốt vẫn bán được với giá tốt. Nên câu chuyện hiện nay không phải là thiếu “cầu” đối với khu vực giá cao và giá trung bình mà có đáp ứng đủ yêu cầu của người mua hay không", ông Võ nói.

Ông Võ quan niệm: "Bất động sản cao cấp thì những thứ đi kèm cũng phải cao cấp. Chỗ ở "xịn" không chỉ có cái nhà đẹp, nội thất đẹp mà vệ sinh công cộng, môi trường, cơ sở vật chất và thậm chí người hàng xóm cũng phải tốt".

Trong khi đó khu vực nhà giá rẻ nhu cầu lớn nhưng cung lại hạn chế, đáng lưu ý nhiều nơi còn tồn tại tình trạng lãng phí nguồn cung. Tại nhiều địa phương tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, học sinh sinh viên nhưng các đối tượng này lại không mấy mặn mà. Một trong số những nguyên nhân chính, theo ông Võ, là do việc bó buộc phải ở ghép lẫn nhau mà không được lựa chọn người ở cùng như khi ở trọ bên ngoài.

"Cần nghiêm túc nhìn vào chất lượng cuộc sống, người nghèo cũng cần sống có chất lượng. Tại sao lại lấy nhà ở làm điều kiện bắt họ từ bỏ tình cảm. Nếu còn ép vào tập thể và quản lý khắt khe sẽ không bao giờ có người chịu vào ở tại những khu nhà ở xã hội được Nhà nước quan tâm đầu tư", ông Võ nhìn nhận.

Bên cạnh đó, khu vực nhà ở xã hội cũng tồn tại nghịch lý là dù được ưu đãi nhiều của Nhà nước thì lại vẫn cao hơn nhà thương mại giá rẻ. Do đó, cần phải xem xét phát triển lại theo hướng thị trường hóa bằng cách đấu thầu công khai. "Luật nhà ở gần đây nhất vẫn nói nhà ở xã hội là do nhà nước ưu đãi nên Nhà nước được quyền chỉ định nhà đầu tư, chỉ định giá bán. Như vậy không khác gì so với thời bao cấp và rất dễ xảy ra tham nhũng", ông nhấn mạnh.

Vị giáo sư cũng cho rằng, chiến lược và quy hoạch nhà ở của Việt Nam nhiều khi di theo tư duy "hơi lãng mạn", nhìn vào tương lai vẽ rất đẹp mà không biết lấy gì để xây. Thực tế cho thấy thực hiện mục tiêu có nhà ở cho người dân còn rất thấp so với nhu cầu đặt ra (tính đến 2015 mới chỉ đạt 5,47% kế hoạch) vì cả nhà đầu tư, nhà nước cho đến ngân hàng đều không có tiền để xây.

Theo đó, để sớm hoàn thành bài toán nhà ở cho người dân, đầu tiên phải tìm cách động viên người dân tự giải quyết nhà ở cho mình. Bên cạnh đó, cần vận hành trở lại phương thức mua bán nhà trên giấy để có thể tận dụng được thêm nguồn vốn đầu tư từ phía người dân.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng phát triển kiểu người mù không có những dự báo mà chỉ hoàn toàn là tự phân tích, Nhà nước và Hiệp hội Bất động sản cần thành lập một trung tâm dự báo thị trường, đưa ra thông tin minh bạch nhất, phản ánh đúng nhất thị trường.
 

Theo Dân trí

.