|
|
Khu TĐC Trung Hòa, Nhân Chính có dấu hiệu xuống cấp |
Những đổi thay về chính sách
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trước khi có Luật Nhà ở (Luật Nhà ở ra ngày 25/11/2014), trên địa bàn TP. Hà Nội có 79 nhà chung cư TĐC được đưa vào sử dụng và do Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý. Giai đoạn này chưa có quy định về kinh phí bảo trì 2% cho nên với những căn hộ được bán tại thời điểm này không có kinh phí bảo trì 2%. Những hỏng hóc, sửa chữa đều phụ thuộc vào các công ty quản lý nhà.
Sau khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, có 89 nhà chung cư TĐC được đưa vào sử dụng. Công tác quản lý vận hành phải thực hiện theo quy định của pháp luật và những văn bản hướng dẫn của UBND TP. Hà Nội. Các khu chung cư TĐC phải thành lập Ban Quản trị (BQT) của tòa nhà. Đây là điều kiện bắt buộc để các tòa TĐC có bộ phận quả lý, tu sửa... Đã có 150/168 nhà chung cư đủ điều kiện tổ chức Hội nghị nhà chung cư để lập BQT, trong đó, 71/75 nhà chung cư có BQT. Kể từ thời điểm này, chủ sở hữu nhà ở chung cư TĐC được xây dựng sau thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực đều phải đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định. Nếu như quỹ bảo trì của các tòa chung cư thương mại được chủ đầu tư dự án quản lý khi BQT tòa nhà chưa được thành lập, thì tại các tòa chung cư TĐC, số tiền quỹ bảo trì mà người dân đóng được giao cho các công ty Nhà nước đảm nhận việc vận hành quản lý tòa nhà.
Như vậy, sau khi Luật Nhà ở ra đời, các chung cư TĐC hoạt động không khác với các nhà chung cư thương mại, cư dân ở các khu chung cư TĐC hoàn toàn có quyền để bầu tra Ban quản trị của mình để nhận bàn giao quỹ bảo trì từ đơn vị vận hành để tự quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhằm mục đích vận hành tòa nhà một cách tốt nhất với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, số lượng nhà chung cư TĐC được xây dựng trước khi Luật Nhà ở và nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực là tương đối nhiều nên gần như không có quỹ bảo trì để chỉnh trang, tu sửa khi TĐC xuống cấp. Vì thế, số lượng chung cư TĐC được xây dựng cách đây 18-20 năm hiện nay xuống cấp nghiêm trọng và cần một quỹ để sửa chữa.
Nhà nước và nhân dân cùng làm…
Vướng mắc ở đây là các khu TĐC cũ, khi đó phần bảo trì 2% chưa có, nếu có chăng nữa thì chỉ có một lượng rất nhỏ, không đáng kể. Nếu dùng quỹ này để tu sửa hay làm mới một cái thang máy với một tòa nhà chưa chắc đã đủ. Chính vì thế, những trường hợp TĐC này, người dân khi thành lập được Ban quản trị thì phải đóng tiền cho BQT hoạt động. Nhà nước chỉ hỗ trợ 6 hạng mục bảo trì chung cư TĐC, hỗ trợ công tác vận hành một phần nhỏ khoảng 60 nghìn/tháng.
Để duy tu các khu TĐC, một số khu chung cư TĐC ở TP. Hà Nội đã thực hiện việc thu, chi như những nhà chung cư thương mại. Đó là khu TĐC A14 Nam Trung Yên, 5B Lê Đức Thọ... Những khu TĐC này họ đã lập BQT tòa nhà và yêu cầu người dân đóng tiền như nhà ở thương mại để BQT duy trì hoạt động. Như thế, BQT sẽ có kinh phí sửa chữa và làm mới tòa nhà. Ngoài kinh phí người dân tự đóng vẫn có tiền hỗ trợ từ các đơn vị quản lý nhà theo chế độ người dân TĐC.
Theo nhiều chuyên gia xây dựng đô thị thì để những tòa nhà TĐC được đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ phụ thuộc vào chính quyền thành phố mà cần có sự góp sức của cả từ phía người dân.
Lê Sử
Theo Sở Xây dựng, hiện nay, về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì 2% chung cư TĐC. Đã bàn giao quỹ cho 30BQT/71BQT với tổng số tiền khoảng hơn 36 tỷ đồng, 6BQT/71BQT sau khi rà soát đã sử dụng hết kinh phí bảo trì 2%, còn lại 35BQT/71BQT sẽ bàn giao sau khi các bên thực hiện xong việc quyết toán thu chi trong giai đoạn quản lý. Về bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng, có 129/168 nhà chung cư đã được bố trí theo thiết kế hoặc hoạch định từ chuyển đổi diện tích kinh doanh dịch vụ sang bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng với diện tích khoảng 9.472m2.