Thực hiện chủ trương giải tỏa, tái định cư ở dự án nâng cấp, cải tạo Trung tâm Thương mại chợ Cồn, nhiều hộ dân ở khu vực giải tỏa thất vọng khi phương án tái định cư (TĐC) bị tạm dừng do người dân tự làm khó mình.



Mâu thuẫn về quyền lợi của hộ giải tỏa

Ông Nguyễn Hoàng, tổ 12, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu là hộ dân đầu tiên ở dự án sớm chấp hành chủ trương đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng, nhưng phương án bố trí TĐC bị tạm dừng nên gia đình chưa nhận đất TĐC nay phải đi thuê chỗ ở.

Trong khi đó, bà Trần Thị Yến, tổ 12 cho rằng, chính sách về TĐC phải để hộ giải tỏa quyết định. Bà Yến phân tích, các hộ giải tỏa đều là hộ nghèo, hộ đông nhân khẩu nên khi nhận những quyền lợi về đền bù, giải tỏa đều có sự tính toán để ổn định cuộc sống sau giải tỏa.

Hộ nghèo thì cuộc sống “giật gấu, vá vai” nên bình quân mỗi lô đất TĐC sau khi bán phiếu ra thị trường, hộ giải tỏa có thêm số tiền chênh lệch giá trị đất từ 400-600 triệu đồng. Với số tiền này, hộ giải tỏa có thể mua lại nền đất và làm nhà ở mới ở các quận vùng ven như Liên Chiểu, Cẩm Lệ.

Ngược lại, nếu nhận đất TĐC thì hộ giải tỏa vừa nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất theo quy định, vừa không có tiền để làm nhà ở mới. Đây là giải pháp mà nhiều hộ giải tỏa ở dự án tính đến. Bà Yến cũng xác nhận có nhiều người đến đặt vấn đề mua lại phiếu đất bố trí TĐC trong tổ dân phố.

“Người mua phiếu rất am tường về giá trị của các suất đất TĐC và thông thạo về các hồ sơ thủ tục trong chính sách đền bù, giải tỏa nên rất thuận mua, vừa bán, đôi bên đều cùng có lợi”.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp sau khi chuyển nhượng đất ở TĐC mà không tính đến việc tạo lập chỗ ở mới, bất ổn cuộc sống tương lai, đi ngược lại chủ trương an sinh, ổn định cuộc sống của chính quyền thành phố.

Các tổ trưởng dân phố cũng nắm bắt được tình hình này và có phản ánh đến các cấp chính quyền để vận động, hướng dẫn hộ giải tỏa chấp hành chủ trương về đền bù, bố trí TĐC.

Theo lãnh đạo UBND phường Hải Châu 2, chính quyền địa phương đã kịp thời nắm bắt được tình hình chuyển nhượng đất ở TĐC ở khu vực dự án và đã báo cáo kịp thời với UBND thành phố xử lý.

Mặt khác, địa phương cũng nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục hộ giải tỏa chấp hành chủ trương về đền bù, giải tỏa và bố trí TĐC, nhưng tình hình chuyển nhượng đất ở TĐC nằm ngoài tầm kiểm soát; hộ giải tỏa lén giao dịch chuyển nhượng đất ở TĐC. Do đó, việc tính toán lại phương án bố trí TĐC là cần thiết.

Cần gỡ rối về phương án bố trí tái định cư

Một hộ dân ở khu vực giải tỏa xin giấu tên nói: “Con sâu làm rầu nồi canh” bởi một số người quá nôn nóng chuyển nhượng quá sớm phiếu đất TĐC nên bây giờ việc giải tỏa, đền bù, bố trí TĐC dừng lại, hộ giải tỏa nào cũng bị thiệt thòi. Những tưởng dịp Tết Bính Thân sắp đến nhiều người có nhà ở mới khang trang nhưng bây giờ cuộc sống vẫn lam lũ, nhà ở vẫn nhếch nhác, chật chội.

Trước những trục lợi về chính sách đền bù, giải tỏa và bố trí TĐC ở khu vực chợ Cồn, có ý kiến đề xuất chống nạn “cò đất” với việc thay đổi vị trí đất TĐC; chống chuyển nhượng phiếu đất TĐC với việc thực hiện hộ giải tỏa cam kết sử dụng đất ở TĐC đúng mục đích.

Qua 2 ngày tìm hiểu thực tế về tâm tư, nguyện vọng của hộ giải tỏa ở khu vực chợ Cồn, một số hộ dân cho biết, nếu được thay đổi phương án đền bù, giải tỏa thì sẽ giải quyết được bế tắc hiện nay.

Có thể thực hiện hai phương án, gồm đền bù giải tỏa, bố trí TĐC theo phương án của thành phố, hoặc nhận tiền đền bù theo giá thị trường và hộ giải tỏa tự sắp xếp nơi ở TĐC.

Tại buổi gặp gỡ tiếp xúc với hộ dân ở dự án gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng gợi mở việc thay đổi phương án bố trí TĐC theo hướng ổn định cuộc sống cho phần đông hộ giải tỏa ở khu chung cư; việc đền bù thiệt hại áp dụng theo giá thị trường để những hộ gia đình có giá trị đền bù lớn tự lo đất ở TĐC.

Theo Báo Đà Nẵng

.