Chưa xong hạ tầng, chưa có phần móng nhưng Công ty Phúc Sơn đã ký một loại hợp đồng lạ đời để huy động vốn rất lớn từ khách hàng. Việc này chưa đúng quy định của pháp luật và có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 
Từ năm 2016, Công ty Phúc Sơn đã triển khai cho khách ký đơn xin đăng ký nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng tại dự án Khu trung tâm …Đơn viết: “Sau khi được tìm hiểu và nghiên cứu kỹ hồ sơ hiện có của dự án, nay tôi làm đơn này đề nghị quý công ty cho tôi được đăng ký nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng của lô đất có ký hiệu…, diện tích m2 (theo bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt).
 
Dự án “tầm cỡ quốc tế” ở Nha Trang: Hợp đồng lạ đời chưa từng có, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng
 
Loại hợp đồng kỳ lạ chưa từng có của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn
Loại hợp đồng kỳ lạ chưa từng có của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn
 
Sau đó, ngày 9/11/2016, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã ký với khách hàng cái gọi là “Hợp đồng tiến trình thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở theo quy hoạch tại dự án Khu trung tâm đô thị …
 
Tại trang 3 của hợp đồng đã “lộ diện” tính bất hợp pháp của hợp đồng khi ghi rõ: “Ngay sau khi lô đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện chuyển nhượng, hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng theo quy định của pháp luật…”. Như vậy, nếu khách hàng tỉnh táo, sẽ thấy ngay trong hợp đồng, chủ đầu tư đã thừa nhận nó chưa đủ cơ sở pháp lý để chuyển nhượng đối tượng chính của giao dịch là quyền sử dụng đất.
 
Vậy mà, với một lô đất chưa đủ thủ tục chuyển nhượng, hạ tầng chưa có gì, khách hàng đã phải nộp theo giá tạm tính lên tới 32,4 triệu đồng/m2 và phải trả hơn 3,1 tỷ đồng cho 90m2; chưa kể thuế và phí khác.
 
Tìm hiểu nội dung các điều khoản của hợp đồng, một chuyên gia pháp luật bất động sản cho biết có nhiều thỏa thuận nhưng thường là doanh nghiệp nắm đằng chuôi, khách hàng bị phụ thuộc và luôn rơi vào thế bị động.
 
Theo luật sư Quang Thu (Hà Nội), cái gọi là “hợp đồng “Hợp đồng tiến trình thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở theo quy hoạch tại dự án Khu trung tâm đô thị” như trên ông chưa từng nghe bao giờ và không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.
 
Điều 39 Luật Nhà ở quy định: “Chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà - thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng”.
 
Điều 9 nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định: Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư sau khi đã có dự án phát triển nhà ở được phê duyệt, đã thực hiện khởi công xây dựng công trình nhà ở và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở biết trước ít nhất 15 ngày, tính đến ngày ký hợp đồng huy động vốn. Đối với trường hợp huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước, chủ đầu tư chỉ được huy động sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định.
 
Đối chiếu với các quy định trên thì việc Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn ký hợp đồng và huy động vốn của khách hàng từ năm 2016, trong khi hạ tầng dự án chưa có gì, công trình chưa xây phần móng là trái quy định của pháp luật.
 
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, làm rõ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng.
 
Theo Quang Minh - Linh Chiến/ Công lý
 
.