(BVPL) Ngay tại dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 do Việt Nam xây dựng, chủ đầu tư đang có dấu hiệu để nhà thầu cung cấp thiết bị Trung Quốc thắng thầu.
 
Lựa chọn công nghệ tiên tiến
 
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang), có tổng công suất 1.200 MW, với tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng. Dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỉ kWh/năm. 
 
Đây là một dự án do doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu EPC và sử dụng trang thiết bị công nghệ tiên tiến của EU/G7. Tại gói thầu M05 – Hệ thống khử lưu huỳnh (FGD) nhằm đảm bảo Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 không thả khói độc ra môi trường, 2 nhà thầu Hamon Research Cottrell Gmh và KC Cottrell Co.,Ltđ đã lọt vào vòng trong.
 
Theo đánh giá tổng thể của Ban quản lý Dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 về chất lượng và kỹ thuật của 2 nhà thầu này thì: Nhà thầu Hamon có giá đánh giá với 13 thiết bị chính theo tiêu chí hồ sơ yêu cầu là hơn 77,2 triệu USD. Tuy nhiên có rất nhiều hệ thống, thiết bị của nhà thầu Hamon có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc/Ấn Độ với giá trị khoảng 14 – 16 triệu USD. 
 
 Thi công khu vực cảng của nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Thi công khu vực cảng của nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Đối với nhà thầu KC Cottrell, thời hạn bản chào của nhà thầu có hiệu lực đến 30.3.2017 đáp ứng hồ sơ yêu cầu của tổng thầu EPC. Qua đánh giá về nguồn gốc xuất xứ thiết bị, quy về mặt chung kỹ thuật của dự án cũng như quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kỹ thuật của thiết bị được quy định trọng hợp đồng EPC, phần lớn thiết bị đều có nguồn gốc xuất xứ EU/G7 và Hàn Quốc. Đặc biệt các thiết bị không có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc/Ấn Độ, thấp nhất là từ Hàn Quốc/Việt Nam.
 
Cũng theo Ban quản lý dự án, ngoài 13 thiết bị chính của gói thầu theo quy định của hồ sơ yêu cầu, hai nhà thầu chào giá cho các thiết bị còn lại có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước khác nhau. Do đó, để đánh giá được tổng thể về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo lựa chọn được nhà cung cấp vật tư thiết bị tốt nhất với giá cạnh tranh nhất, Ban quản lý dự án đã tính toán đưa về cùng mặt bằng về nguồn gốc xuất xứ và công nghệ đối với tất cả vật tư thiết bị nhà thầu đã chào. 
 
Kết quả, nhà thầu Hamon có giá đánh giá là 97,1 triệu USD (với giá sau hiệu chỉnh sai lệch là 57,7 triệu USD); nhà thầu KC Cottrell  có giá đánh giá: 86,3 triệu USD (với giá sau hiệu chỉnh sai lệch là 59,5 triệu USD). Trong đó thiết bị Hàn Quốc và Việt Nam có hệ số điều chỉnh giá là 0,3 còn của Trung Quốc là 1. Việc đặt ra hệ số điều chỉnh giá này là nhằm hạn chế thiết bị Trung Quốc với chất lượng không đủ tin cậy, được đưa vào dự án quan trọng này. Với kết quả này, nhà thầu KC Cottrell sẽ là nhà trúng thầu và sẽ không có thiết bị Trung Quốc được cung cấp cho dự án.
 
Chỉ đạo bất thường từ lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 
 
Ngày 1.12.2016, Ban quản lý dự án đã có văn bản báo cáo về hai nhà thầu Homan và KC Cottrell lên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo để có cơ sở lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tiến độ của gói thầu và toàn dự án.
 
Ngày 9.1.2017 ông Nguyễn Anh Tuấn Trưởng Ban quản lý đầu thầu của Tập đoàn đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án Sông Hậu 1 thông báo: “Ngày 24.12.2016, TGĐ Tập đoàn đã có ý kiến về phương án để các nhà thầu chào lại giá”. 
 
Thi công ở dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Thi công ở dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Theo văn bản chỉ đạo ngày 24.12.2016 của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được gửi kèm theo văn bản thông báo, thì lãnh đạo tập đoàn yêu cầu xem xét 2 phương án yêu cầu các nhà thầu chào lại: Phương án 1: Đưa 13 thiết bị chính về mặt bằng giá về nguồn gốc xuất xứ và bản quyền công nghệ và các thiết bị còn lại (chiếm khoảng 60% khối lượng thiết bị) cũng đưa về mặt bằng giá về nguồn gốc xuất xứ; Phương án 2 chỉ đưa 13 thiết bị chính về nguồn gốc xuất xứ và bản quyền công nghệ.
 
Điều đặc biệt là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn nhấn mạnh: “Việc yêu cầu các nhà thầu chào lại với phương án xác định giá đánh giá về nguồn gốc xuất xứ và bản quyền công nghệ thay đổi như phương án này (Phương án 1) sẽ có lợi cho nhà thầu KC Cottrell (không có thiết bị Trung Quốc) và bất lợi cho nhà thầu Hamon (vì có thiết bị Trung Quốc và hệ số quy mặt bằng giá là cao nhất)… Xuất phát từ yêu cầu của tiến độ dự án, sau khi xem xét một lần các yếu tố trên Lãnh đạo cho rằng Phương án 2 là phương án tốt nhất trong bối cảnh hiện nay”. 
 
Dư luận cho rằng với động thái như trên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nguy cơ thiết bị Trung Quốc với giá trị từ 14-16 triệu USD lọt vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 là hiện hữu (?!).
 
Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
 
nhóm PV
 
 
.