Khoản 1 Điều 79 Luật TN, MTB&HĐ2015, quy định: Kể từ thời điểm Luật này được công bố (ngày 8/7/2015), giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m, tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo.
Dự án Năm Sao Đại Lãnh được Ban quản lý khu kinh tế (BQL KKT) Vân Phong (Khánh Hòa) cấp phép xây dựng ngày 25/8/2017, cho phép xây dựng nhiều hạng mục công trình… ngay trên bãi biển, cách mép nước không xa. Một kiến trúc sư thuộc Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nhận định, Luật TN, MTB&HĐ đã quy định rõ như vậy mà cơ quan thẩm quyền lại cấp phép cho xây dựng trên bãi biển như thế là sai. Hơn nữa, bãi biển thuộc về cộng đồng, mọi người đều được hưởng lợi, dự án không thể xây dựng chiếm hết bãi biển như hiện nay được.
|
|
Công trình Năm Sao Đại Lãnh xây dựng trên bãi cát, phá dỡ cảnh quan bãi biển. |
Trao đổi với Phóng viên, ông Trịnh Quốc Hồng - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch xây dựng BQL KKT Vân Phong, cho biết: Theo quyết định phê duyệt quy hoạch của dự án và xác định ranh giới, trước mắt nhà đầu tư xin xây dựng ở khu vực phía Nam của dự án và họ đã xây dựng các hạng mục Villa, nhà hàng, hồ bơi... Tuy nhiên, tháng 11/2017, BQL đi kiểm tra phát hiện chủ đầu tư đã xây dựng bờ kè đá trên bãi cát. Do hạng mục không có giấy phép xây dựng nên Ban quản lý đã yêu cầu chủ đầu tư thanh thải toàn bộ kè này để trả lại bãi biển như hiện trạng ban đầu.
Trả lời câu hỏi của Phóng viên là tại sao BQL KKT Vân Phong lại cấp phép xây dựng nhiều hạng mục dự án ngay trên bãi biển mà không tuân thủ giới hạn về khoảng cách quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật TNMTB&HĐ, ông Hồng cho biết: Hiện tại đường mép nước chưa xác định được và việc tính mép nước trung bình hàng năm theo Luật TN, MTB&HĐ chưa được làm tại Khánh Hòa. Thứ hai, chủ trương đầu tư dự án có trước khi Luật ra đời.
“Vừa rồi, Ban quản lý có tham gia ý kiến trong đề xuất các khu vực bảo vệ biển đảo. Khu vực được bảo tồn phải có 3 tiêu chí: Thứ nhất là chống xói lở; thứ hai là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái; thứ ba là quyền tiếp cận của người dân đối với biển. Dự án này không bảo đảm ba yếu tố trên” - ông Hồng cho biết.
Ông Hồng xác nhận, bờ kè của dự án đã phá vỡ cảnh quan của bãi biển. Ngoài ra, dự án đã bít lối đi dân sinh và hạn chế quyền tiếp cận bãi biển của người dân và du khách.Với những sai phạm của dự án, theo ông Hồng có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Khách quan là do trong quá trình giao đất, mực nước lúc cao lúc thấp nên mốc của dự án lúc trên cạn, lúc ở dưới nước gây khó khăn cho việc quản lý. Về mặt chủ quan, các sở, ngành đã chưa bám sát thực tế, chưa đánh giá hết tác động của môi trường.
Cho rằng, cấp phép xây tại Dự án Năm Sao ngay trên bãi biển, chưa bảo đảm giới hạn về khoảng cách quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật TNMTB&HĐ là bởi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi luật này ra đời, tuy nhiên dường như ông Hồng đã “quên” Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành trước khi dự án Năm Sao được cấp phép xây dựng.
Chỉ thị 20/CT-TTg ra đời nhằm chấn chỉnh công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và bảo đảm khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời khẳng định công tác quản lý quy hoạch khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đất đai dự án ven biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương. Chị thị yêu cầu kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; bố trí cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng…
Nguyễn Huân