Ưu ái hay “dung túng” cho sai phạm?

Trước đó, Dự án Khu du lịch dịch vụ và vui chơi giải trí Đầm Vạc được phê duyệt theo Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 14/9/2010. Dự án có nội dung xây dựng: Biệt thự nhà vườn, nhà sinh hoạt cộng đồng và điều hành, đất cây xanh và đất giao thông (theo bản vẽ chi tiết của Dự án).

Nhưng với sự đánh tráo bản chất, Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Tây Hồ đã từng bước thay đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi các hạng mục công trình với nhau để sử dụng vào mục đích khác với xin cấp phép ban đầu nhằm mục đích đẩy tỷ lệ loại đất nhà ở thành: 35.166m2 (chiếm 45,48%). Nội dung này đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ bằng Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 27/6/2014, trong đó nêu rõ: “Dự án có xây dựng hồ cảnh quan, chủ đầu tư đã thi công nhưng do chênh lệch cao độ giữa đáy hồ và Đầm Vạc nên thường xuyên không có nước, chiều sâu của hồ so với mặt bằng dự án gây thiếu mỹ quan, không đảm bảo vệ sinh môi trường đồng thời mặt an toàn cho cư dân lân cận, nên xin phép san lấp tạo mặt bằng và chuyển đổi thành đất cây xanh, đất công trình công cộng và một phần đất nhà ở…”. Ngoài ra, theo nội dung Tờ trình số 250/TTr-STNMT ngày 23/5/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường thì có nội dung: UBND tỉnh cũng chấp thuận cho phép điều chỉnh tính chất và tên của dự án từ tên cũ “Khu du lịch dịch vụ và vui chơi giải trí Đầm Vạc” sang tên mới “Khu Dịch vụ và Nhà ở sinh thái Đầm Vạc” tại Văn bản số 6393/UBND-NC1 ngày 09/10/2015.

Điều này là không phù hợp với những quy định tại Điều 26 Luật Xây dựng và Điều 29 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 25/01/2005 của Chính phủ vì việc thay đổi quy hoạch phải do các căn cứ pháp lý nêu tại quy định này.

Trong khi chưa sử dụng hết phần đất để thực hiện nội dung dự án khiến các khu đất với hiện trạng gần như bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Tây Hồ lại tiếp tục xin thay đổi quy hoạch thực hiện dự án rồi “hô biến” nhiều phần diện tích hồ Đầm Vạc thuộc phạm vi dự án được điều chỉnh thành các lô đất để xây dựng biệt thự và đất cây xanh, khách sạn… Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Tây Hồ đã không tuân thủ đúng theo những quyết định của UBND Vĩnh Phúc mà vẫn tự ý đổ đất lấn hồ vây lại phần bờ kè, cũng như đang tiến hành đổ đất để mở rộng đường tại vị trí kè hồ.

Buông lỏng quản lý hay có lợi ích nhóm?

Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ việc liên tiếp điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch - Dịch vụ và vui chơi giải trí Đầm Vạc tại phường tích Sơn, Ngô Quyền, Vĩnh Yên đến việc “làm ngơ” cho các quyết định của Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Tây Hồ khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, dự án Khu du lịch - Dịch vụ và vui chơi giải trí Đầm Vạc có dấu hiệu nhóm lợi ích để cùng nhau “xẻ thịt” khu đất vàng nhằm trục lợi, trong đó có sự “tiếp tay” của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc?

Theo đó, đầu năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 136/TTr-TNMT (ngày 23/3/2017) “V/v đính chính nội dung Quyết định số 2003/QĐ-UBND ngày 16/6/2016” của UBND tỉnh (V/v điều chỉnh giao đất theo QHCT tỷ lệ 1/500 dự án Khu Dịch vụ và nhà ở sinh thái Đầm Vạc tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Trong đó, đối với diện tích đất ở đô thị, đất giao thông của dự án đã giao tại các quyết định trước đó thể hiện tại Điều 1, Quyết định số 2003/QĐ-UBND ngày 16/6/2016 có ghi tương ứng: 28.425,9m2 đất ở; 24.071,6m2 đất giao thông. Nay điều chỉnh lại thành: 28.530,9m2 đất ở; 23.966,6m2 đất giao thông với nguyên nhân do nhầm lẫn trong quá trình rà soát, tổng hợp diện tích từ các quyết định giao đất, điều chỉnh giao đất cục bộ qua các thời kỳ.

leftcenterrightdel
 Đầm Vạc đang ngày càng bị các nhà đầu tư vào san lấp đất, phân lô bán nền, xây dựng biệt thự kinh doanh… khiến cảnh quan bị phá vỡ, gây bức xúc trong nhân dân.

Đây là vấn đề mà dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao dự án được xem xét từ lâu, sau khi đổi từ “đất du lịch” sang “đất ở dịch vụ” đã có sự rà soát, đương nhiên không thể nào lại có sự sai sót như trên. Mặt khác, sai sót ở đây lên đến 105m2 đất ở trong Quyết định 2003 được ban hành ngày 16/6/2016. Tuy nhiên, đến ngày 23/3/2017 thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới phát hiện ra có sự đo đạc sai số, dẫn đến diện tích các loại đất không đúng thực tế. Trong khi đất ở thì “phình ra” còn đất giao thông thì giảm đi (giảm 105m2).

Trong Luật Xây dựng năm 2003, tại Điều 26 về điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị ghi rõ:“1/ Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị” được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây: Quy hoạch chung xây dựng đô thị được điều chỉnh; Cần khuyến khích, thu hút đầu tư. 2/ Người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thì phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được điều chỉnh. 3/ Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải lấy ý kiến của nhân dân trong khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng và không được làm thay đổi lớn đến cơ cấu quy hoạch chung xây dựng”.

Ngoài ra, tại Điều 29 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 25/01/2005 cũng nêu rõ: 1/ Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được xem xét điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây: - Quy hoạch chung xây dựng đô thị được điều chỉnh toàn bộ hoặc điều chỉnh cục bộ có ảnh hưởng tới khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng - Cần khuyến khích thu hút đầu tư nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị về phân khu chức năng - Dự án đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, trong thời gian 03 năm không triển khai thực hiện được. 2/ Khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, người có thẩm quyền phê duyệt phải lấy ý kiến của nhân dân thông qua phiếu xin ý kiến hoặc tổ chức họp đại diện tổ dân phố và Uỷ ban nhân dân phường trong khu vực liên quan đến quy hoạch điều chỉnh. 3/ Người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thì phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng.

Có hay không việc chủ đầu tư được “bảo kê” sai phạm? Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Thu Hương