Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông nằm tại vị trí đắc địa của quận Hà Đông, dự án cách UBND quận Hà Đông vài phút đi bộ, nhưng nhiều năm nay dự án có dấu hiệu bị “xẻ thịt”,  như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh loạt bài trước đó.

leftcenterrightdel
 Cổng dẫn vào Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông với đủ các loại hình dịch vụ. Ảnh: Vũ Phương. 

Nhiều năm liền, dự án vẫn "nằm trên giấy", để tránh lãng phí và chống lấn chiếm, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của UBND quận Hà Đông được khai thác tạm diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại dự án này.

Nhưng thực tế, theo ghi nhận của Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, những gì diễn ra tại dự án này đang đi ngược chỉ đạo của UBND TP Hà Nội theo Văn bản số 3461 ký ngày 22/5/2015. 

Văn bản của UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Chỉ được xây dựng các công trình tạm thời bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh (sân bóng mini, bãi đỗ xe tĩnh…”; Không xây dựng công trình kiên cố, xây dựng công trình cấp 4, 1 tầng. Đảm bảo quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường”.

Diện tích đã giải phóng mặt bằng của dự án này là 52,8ha (dự án được phê duyệt khoảng 98ha) đang bị biến tướng, xây dựng trái phép nhiều công trình kiên cố như: nhà hàng, nhà xưởng, kho bãi, sân golf, sân bóng la liệt mọc lên.

leftcenterrightdel
 Sân tập golf Hà Đông được xây dựng kiên cố. 
leftcenterrightdel
 

Điển hình tại dự án này như sân tập golf Hà Đông được xây dựng kiên cố cùng với nhà hàng đi kèm. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà hàng, kho xưởng, bến bãi "mọc lên" tràn lan...

leftcenterrightdel
 Bãi để xe sân tập golf Hà Đông. 

Không chỉ phớt lờ Văn bản số 3461 của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 22/5/2015, việc cho thuê đất Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông đang bộc lộ những dấu hiệu bất thường, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Điều ngạc nhiên, Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm của quận Hà Đông nhưng giá cho thuê mỗi m2 chỉ ngang với giá trà đá vỉa hè.

Sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho khai thác, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông được UBND quận Hà Đông giao quản lý, khai thác tạm tại dự án.

leftcenterrightdel
Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đang cho thuê đất với "giá bèo" so với vị trí đắc địa của Dự án. 

Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Đinh Công Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông thừa nhận, Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông có 12 doanh nghiệp được thuê đất với diện tích hơn 30ha tại phần đất đã giải phóng mặt bằng.  

Ông Đinh Công Đạt khẳng định, mức giá trung tâm cho các đơn vị thuê là 5.000 đồng/m2/năm. Một năm thu về khoảng 1,5 tỉ đồng.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc đã nhiều năm mà Trung tâm cho các doanh nghiệp thuê đất dự án với giá 5.000 đồng/m2 có hợp lý, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông Đinh Công Đạt cho biết: “Chúng tôi đã gửi văn bản sang UBND quận để xin điều chỉnh tăng giá thuê đất lên, nhưng quận chưa có ý kiến”.

Trong khi đó, một “cò” cho thuê đất tại Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông cho biết, muốn thuê diện tích lớn không có mà chỉ có nhiều nhất 100m2. Giá thuê một ô đất trống khoảng 100m2 là từ 6-7 triệu đồng. Đây là giá thuê bên trong dự án, còn những vị trí đắc địa mặt đường có giá cao hơn.

Như vậy, mức giá các “cò đất” tại dự án này đang cho thuê lại có giá cao gấp hơn 10 lần giá Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông cho 12 doanh nghiệp thuê.

Giả định một phép tính đơn giản, 30ha cho thuê với giá 6 triệu đồng/100m2 theo giá thị trường, ngân sách một năm thu về được khoảng 18 tỉ đồng. Con số ngày cao hơn gấp nhiều lần số 1,5 tỉ đồng mà UBND quận Hà Đông đang quản lý, khai thác.

Số tiền thu về ngân sách sẽ rất lớn, nếu tính từ năm 2015 khi UBND TP Hà Nội chấp thuận cho UBND quận Hà Đông khai thác tạm Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông.

Đến đây, dư luận hoàn toàn có cơ sở đặt nghi vấn về việc nhiều năm liền UBND quận Hà Đông giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông vận hành, quản lý, khai thác Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông có thực sự hiệu quả hay có bóng dáng của "lợi ích nhóm"? 

 

Vũ Phương