Nếu tính theo ngày, chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở có thể vượt 1.000 đồng một lít, tuy nhiên các doanh nghiệp khẳng định vẫn lỗ sau 3 đợt giảm liên tiếp vừa qua.

Thị trường nhiên liệu thế giới những ngày gần đây liên tục hạ nhiệt, giá các loại dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Sáng nay, dầu Brent giảm 0,54% so với ngày hôm qua, còn 92,15 USD. Đây cũng là ngưỡng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, và giảm tới 31 đôla so với hồi tháng 4. Giá dầu Brent trong những ngày gần đây liên tục giảm mạnh, đối lập hẳn với diễn biến tăng mạnh cách đây 2 tháng.

Giá dầu thô cũng chỉ còn 80,45 USD mỗi thùng, giảm 1,14% so với ngày hôm qua. Mức giá giao dịch ngày hôm nay phá mốc thấp kỷ lục ngày 14/6 (84,2 đôla mỗi thùng). Trong khi đó, tháng 3, nức giá dầu thô đạt đỉnh lên tới hơn 108 đôla mỗi thùng.

Theo Petrolimex, giá xăng xăng RON 92 ngày 19/6 tại thị trường Singapore là 98,86 USD mỗi thùng, giảm 7,64 USD tính từ thời điểm giá xăng dầu trong nước điều chỉnh ngày 7/6 . Các mặt hàng khác cũng giảm mạnh, FO còn 591,08 USD mỗi tấn. Giá DO 0,05S; dầu hỏa lần lượt là 111,16 USD và 109,56 USD mỗi thùng.
 

Doanh nghiệp xăng dầu lãi khoảng 600 đồng mỗi lít. Ảnh: Hoàng Hà
Doanh nghiệp xăng dầu lãi khoảng 600 đồng mỗi lít. Ảnh: Hoàng Hà


Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, theo công thức tính giá cơ sở tại Thông tư 234, nếu tính theo chi phí thực tế của doanh nghiệp thì mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bản lẻ xăng vào khoảng 600 đồng mỗi lít, các mặt hàng dầu dao động khoảng gần 300 đồng/lít, kg.

Tuy nhiên, ông Năm khẳng định, tin đồn doanh nghiệp xăng dầu lãi từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng mỗi lít chỉ là so sánh giá Platt’s ngày hôm nay với giá bán lẻ hiện hành. Thực chất, giá của Petrolimex nhập tại thị trường Singapore hoàn toàn phụ thuộc vào các hợp đồng đã ký. Để hạn chế rủi ro do biến động giá, Petrolimex đã ký nhiều hợp đồng theo các tỷ lệ phù hợp với công thức giá rất khác nhau vì vậy nếu so sánh giữa giá Platt’s tại Singapore ngày hôm nay với giá mua thực tế của Petrolimex sẽ rất khác nhau. "Rất khó để các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mua xăng dầu theo đúng bằng giá Platt’s công bố", ông Năm khẳng định.

Lãnh đạo Petrolimex cho rằng, giá xăng dầu ngày 7/6 giảm liên tiếp lần thứ 3 trong tháng từ 600 đồng đến 800 đồng mỗi kg/lít không phải là thấp. Bởi thực tế Liên Bộ Công Thương đã giảm giá bán lẻ và tăng thuế tương ứng với phần chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở. Ngoài ra, do cơ chế đảm bảo tồn kho 30 ngày trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm nên việc giảm giá nhanh hơn thời gian tồn kho. Điều này dẫn đến việc Petrolimex bán các lô hàng nhập trước không thể có lãi.

Lãnh đạo một đơn vị xăng dầu khẳng định, doanh nghiệp xăng dầu đã có lãi nhưng không có chuyện con số khủng tới trên 1.000 đồng mỗi lít, kg như tin đồn. Bởi thực tế, theo ông, mức giảm giá mạnh ngày 7/6 vừa qua đã "hãm bớt" lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu.

Ông này cũng cho hay, trong tháng vừa qua, Liên Bộ Tài chính Công Thương đã giảm giá xăng dầu đến 3 lần. Do đó, nhiều lô hàng nhập khẩu trước đó đã bị lỗ.

Ông Năm cho rằng, Liên Bộ Tài chinh Công Thương nên khôi phục một mặt thuế và ổn định trong thời gian tối thiểu là 1 quý, ví dụ như đưa thuế suất nhập khẩu các mặt hàng lên 10%. Sau đó thực hiện điều hành giá bán lẻ theo nguyên tắc giá xăng dầu thế giới giảm bao nhiêu thì giá xăng dầu trong nước giảm bấy nhiêu và ngược lại. "Nếu làm được việc này thì doanh nghiệp sẽ chủ động, người dân cũng sẽ biết xu hướng tăng hoặc giảm giá theo chu kỳ công bố", ông Nam thẳng thắn.

Trước đó, chỉ trong vòng 2 tháng, giá xăng dầu đã giảm 3 lần liên tiếp. Lần thứ nhất vào ngày 9/5, lần thứ 2 vào ngày 23/5 và 7/6. Tổng mức giảm giá xăng sau 3 lần là 2.200 đồng mỗi lít.
 

Theo Hoàng Lan
(VnExpress)