Tính đến 30/6, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Nhà nước là 3,76%, của ngân hàng thương mại cổ phần ngoài Nhà nước là 4,73%. Trong đó, Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, lên tới 6,14%.
Agribank dẫn đầu khối Nhà nước
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) về nợ xấu tại phiên chất vấn chiều 21/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 30/6, tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng Nhà nước là 3,76%, của ngân hàng thương mại cổ phần ngoài Nhà nước là 4,73%.
“Nếu theo số liệu này, thì nợ xấu của các NHTM cổ phần cao hơn nợ xấu của NHTM Nhà nước”, Thống đốc so sánh.
Cũng theo số liệu của các tổ chức tín dụng báo cáo lên, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là lớn nhất với 6,14%, xếp sau lần lượt là các ngân hàng: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 3,55%, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL - MHB (2,635), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (2,52%), Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinBank (2,45%).
Theo con số trên thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành đề án mua bán nợ xấu ngân hàng. Thống đốc cho hay, khi nào cơ quan thẩm quyền có ý kiến thì Ngân hàng Nhà nước sẽ trình lên Quốc hội.
Còn trả lời câu hỏi “có bao nhiêu ngân hàng là vừa đối với qui mô nền kinh tế Việt Nam”, Thống đốc cho biết: “Chúng ta vừa thừa, vừa thiếu ngân hàng. Chúng ta thừa những ngân hàng yếu kém, làm ăn không hiệu quả, thừa những ngân hàng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh; còn nếu theo tiêu chuẩn quốc tế thì thiếu dịch vụ ngân hàng’.
Thông tin từ Thống đốc Bình cho biết thêm, ở nước ngoài, cứ 1.000 người dân thì có một điểm giao dịch, còn chúng ta con số này hết sức thấp. Do vậy, đó là nội dung trọng tâm của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thời gian tới, với mục tiêu lành mạnh hóa ngân hàng, để có thể cung ứng được nhiều dịch vụ hơn cho người dân và đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Nhiệm kỳ này có thể đưa tỷ lệ nợ xấu về 3 - 5%
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc từ nay đến hết năm hoặc tới nửa năm sau, nợ xấu có giảm không và giảm xuống bao nhiêu, Thống đốc Bình cho biết, việc tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức nào còn phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế. “Trong nhiệm kỳ này có thể đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế khoảng 3% - 5%” Thống đốc khẳng định.
Hiện nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 8,6% - 10% nhưng các TCTD đã trích lập dự phòng tín dụng 70.000 tỷ, trong đó 84% nợ xấu có tài sản đảm bảo, tương đương 130% giá trị các khoản nợ. "Nếu chúng ta có cơ chế thì sẽ đưa được nợ xấu về mức thấp nhất", Thống đốc nói.
Thống đốc cho biết, nếu tỷ lệ nợ xấu theo đánh giá của NHNN từ 16% trở lên thì TCTD đó thuộc diện đưa vào kiểm soát đặc biệt. Nhưng đó chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá bởi đôi khi không chỉ vì nợ xấu vượt 16% mà đặt TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt. Bởi làm như vậy là “khai tử” TCTD đó.
Trước câu về trách nhiệm của NHNN và cá nhân Thống đốc khi để xảy ra nợ xấu cao và một số sai phạm trong hệ thống, Thống đốc thừa nhận một trong những nguyên nhân nợ xấu cao có xuất phát từ NHNN khi chưa thanh tra giám sát hiệu quả.
Trả lời về đề án tái cấu trúc ngân hàng, Thống đốc Bình nói, Thủ trướng Chính phủ ban hành Nghị định 254 hợp nhất các ngân hàng, chúng ta đã triển khai và có nhiều công việc hoàn thành. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định tái cấu trúc ngân hàng trong năm 2012 hoàn thành đầy đủ. NHNN đã đưa vào chương trình tái cơ cấu lại 9 ngân hàng, sáp nhập 3 ngân hàng phía nam, tái cấu trúc 6 ngân hàng trong đó có 3 ở phía bắc và 3 ở phía nam.
Về thắc mắc của đại biểu Quốc hội về việc sáp nhập các ngân hàng trong thời gian vừa qua chỉ dừng lại ở con số cộng, Thống đốc NHNN khẳng định: Việc hợp nhất 3 ngân hàng phía nam (Đệ nhất, Sài gòn, Tín nghĩa) là do trong quá trình thanh ra phát hiện 3 ngân hàng này có sở hữu chéo, để 1 ngân hàng đứng ra xử lý riêng sẽ chồng chéo lên nhau nên NHNN đã gộp 3 ngân hàng lại. Đây chính là bước đi ban đầu để tái cấu trúc 3 ngân hàng trên chứ không phải là gộp 3 ngân hàng yếu vào làm 1.
Đến nay, tình hình của Ngân hàng Sài Gòn (ngân hàng sau sáp nhập) đã có những chuyển biến tích cực. Họ đã kiểm soát được thanh khoản trả, được một phần tiền cho vay tái cấp vốn của NHNN. NHNN cũng đã hoàn thành khâu thẩm định, sắp tới đây sẽ trình Chính phủ về các vấn đề đó.
An Hạ/Dân trí