Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, những tháng gần đây đất ở nông thôn Hà Tĩnh đang tăng đột biến, bất thường. Các phiên đấu giá đất ở vùng quy hoạch dân cư tại các xã thuần nông tăng gấp 3, 4 lần giá trị khởi điểm, khiến nhiều lô đất đắt hơn cả đất ở thành phố, dẫu xung quanh không có quy hoạch nào về kinh tế - xã hội được triển khai.
Hình ảnh những đoàn người, cùng xe ô tô đổ về các xã thuần nông Hà Tĩnh lùng mua đất, đặt cọc giao dịch đất đai hàng ngày với giá “trên trời” khiến cho cuộc sống bình yên ở các làng quê xáo trộn. Đi đâu, gặp ai, gần như câu cửa miệng đầu tiên người nông dân dành cho nhau là hỏi thăm về tình hình đất đai, giá đất…
|
|
Khu đất được đưa ra đấu giá và sơ đồ 8 lô đất ở nông thôn giá trên 2 tỉ đồng mỗi lô. |
Chính quyền và giới chuyên môn đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến giá đất ở nông thôn Hà Tĩnh tăng đột biến, như: do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến dòng tiền đọng trong dân nhiều; lãi gửi tiết kiệm ngân hàng thấp nên người dân rút ra đầu tư vào bất động sản; có lượng lớn tiền đầu tư đổ về từ trong Nam, ngoài Bắc… Tuy nhiên, đáng lo ngại là giới chuyên môn đã chỉ ra nguyên nhân tạo sóng ảo, bởi các chiêu trò, mánh khóe làm giá đất từ những người đầu cơ, “cò” bất động sản, lướt sóng ngắn ngày…
“Mánh” mà giới đầu cơ, “cò” đất luôn đưa ra để kích giá đất là tung tin “sắp tới có dự án khủng triển khai ở đây, đã được chính quyền, nhà đầu tư lập quy hoạch, đổ tiền về”. Ví dụ như tại xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà (nơi 8 lô đất ở nông thôn đấu giá thành công trên 2 tỉ đồng mỗi lô), là thông tin về dự án Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa. Dự án đang nằm trên giấy nhưng giá đất ở vùng nông thôn xung quanh đã tăng phi mã.
|
|
Những khu quy hoạch dân cư này ở nông thôn Hà Tĩnh đang sốt đất với giá...trên trời. |
“Mánh” tiếp theo mà giới đấu cơ, cò đất đang sử dụng là trước đó đã âm thầm lùng mua đất của người dân với giá rẻ. Đợi đến khi khu đất lân cận được đưa ra đấu giá, đã bắt tay nhau “thổi giá”, đấu mua với giá rất cao. Từ đây khiến cho tâm lý người dân thiếu hiểu biết nghĩ rằng vùng đất đó sinh lời, đã đổ tiền về mua đất. Giới đầu cơ lúc đó chỉ việc bán ra các lô đất trước đó đã mua với giá cao, chấp nhận bỏ cọc các lô đất đã trúng đấu giá.
Và một “mánh” nữa trong thực tế là chia ra từng nhóm đi “cọc” mua đất. Nhóm sau đến hỏi mua với giá cao hơn nhóm trước. Từ đó đẩy “sóng” đất ảo lên cao. Người dân hám lợi đến sau để mua những lô đất đó sẽ dính bẫy.
|
|
Một buổi đấu giá đất ở Hà Tĩnh. |
Trực tiếp, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Tĩnh đã chỉ ra thực tế này, khi cho biết nhu về đất ở tại Hà Tĩnh hiện nay chưa mạnh để đẩy giá lên cao, mà chủ yếu do các nhà đầu cơ ngắn hạn bắt tay nhau thổi giá, tạo sóng để kiếm lợi nhuận.
Hà Tĩnh, từng trải qua cơn sốt đất năm 2010. Thời điểm đó, đất nông thôn tăng giá chóng mặt, nhiều người đổ tiền vào “găm” đất, tạo sóng ảo. Nhưng đến năm 2011 thì giá đất “đóng băng”, rớt giá thảm hại. Khiến nhiều người điêu đứng, vỡ nợ vì lỡ đổ tiền vào gom đất mong bán lại kiếm lời.
Hiện nay, trước thực trạng đất nông thôn ở Hà Tĩnh đang sốt, giá tăng phi mã, chính quyền các cấp cũng đã đưa ra cảnh báo đến người dân, nhằm tránh để xảy ra những hệ lụy bởi cơn sốt đất ảo đem lại. Mong rằng người dân, sẽ tỉnh táo trước khi “xuống tiền” đầu tư vào bất động sản giai đoạn này.
Thanh Hóa: Hàng loạt người trúng giá đất bỏ cọc:
Đầu năm 2021, tại Thanh Hóa cũng xảy ra hiện tượng sốt đất. Giá đất ở được đấu thành công với giá rất cao. Nhiều nhà đầu cơ đất bỏ tiền vào ôm đất. Tuy nhiên, sau đó đã phải "nhận trái đắng", khi thị trường bất động sản "đóng băng". Mới đây, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã phải hủy nhiều quyết định về trúng đấu giá quyền sử dụng đất, do người trúng đấu giá bỏ cọc.
Tại Quảng Xương, UBND huyện vừa ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất. Theo UBND huyện Quảng Xương, lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định.
Cuối tháng 8, UBND huyện Hoằng Hóa cũng đã phải ký quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Thành đối với 21 cá nhân và 29 cá nhân khác trúng đấu giá tại khu dân cư xã Hoằng Đồng vào khoảng tháng 3/2021. Lý do hủy kết quả trúng đấu giá là do đã quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá.
Hay tại huyện Thọ Xuân, hồi tháng 4, chính quyền cũng phải hủy kết quả trúng đấu giá với 46 lô đất tại khu dân cư Đông Vũng Cao, xã Xuân Sinh vì các nhà đầu tư trúng đấu giá không nộp tiền, bỏ cọc.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa mới ban hành quy định mới về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 28/9.
|