Tồn tại trong quản lý nhà chung cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp
Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Lý do được đưa ra là việc quản lý vận hành nhà chung cư tại Hà Nội còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc. Các vấn đề còn đặt ra như tranh chấp phần diện tích chung riêng, không bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì, hoạt động của ban quản trị, trách nhiệm quản lý Nhà nước. Từ phiên chất vấn, TP Hà Nội sẽ tìm nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp để quản lý nhà chung cư trên địa bàn.
|
|
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội báo cáo về quản lý, sử dụng chung cư |
Báo cáo về vấn đề quản lý, sử dụng chung cư, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết có trách nhiệm của nhiều chủ thể. Ông chỉ ra 6 nguyên nhân và tồn tại, hạn chế chính.
Thứ nhất, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư còn chậm, kết quả còn hạn chế. Nguyên nhân là chung cư mới hoàn thành, chưa đủ số hộ 50% trở lên đến ở, không đủ điều kiện tổ chức hội nghị theo quy định. Một số tòa nhà tái định cư, thời gian dân chuyển đến kéo dài theo tiến độ dự án, để có trên 50% dân đến ở còn kéo dài, khó khăn.
Thứ hai, việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư còn chậm. Nguyên nhân là một số ban quản trị chưa nắm được quy định nên yêu cầu bàn giao không đúng giai đoạn. Cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư cố tình không muốn bàn giao.
Thứ ba, việc xác định diện tích chung, riêng chưa kịp thời, dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện. Chủ đầu tư chây ỳ bàn giao, hợp đồng cũng chưa quy định rõ. Một số ban quản trị cũng chưa hiểu hết quy định hiện hành.
Thứ tư, một số chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2%, dẫn đến một số ban quản trị không có kinh phí để hoạt động. Tại một số chung cư, ban quản lý sử dụng không đúng mục đích, có biểu hiện chiếm dụng. Một số trường khác không thống nhất giữa hai bên trong việc bàn giao quỹ bảo trì.
Thứ năm, là nhiều chung cư còn vi phạm an toàn PCCC. Nguyên nhân là hiện tại có nhiều công trình xây dựng trước khi Luật PCCC có hiệu lực nên việc xây dựng các hạng mục phục vụ PCCC, quy định về PCCC cũng còn chưa chặt chẽ. Một số chủ đầu tư còn làm sai thiết kế, sai phép không thực hiện các quy định về PCCC. Ông Hùng nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cơ quan quản lý giám sát xây dựng.
Thứ sáu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà chung cư còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ.
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Những tồn tại trong quản lý nhà chung cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp hơn.
Tìm giải pháp khắc phục tình trạng cư dân bức xúc, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư
Ông Nguyễn Nguyên Quân (Hoàng Mai) đặt vấn đề toàn thành phố có 137 chung cư xây dựng trước năm 2005, nhiều tòa không có quỹ bảo trì, gây khó khăn cho công tác duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Vị này còn nhấn mạnh công tác cưỡng chế chủ đầu tư đang được thực hiện không hiệu quả. Ngoài ra, nhiều toà chung cư thương mại xây dựng sau năm 2005 hiện đã thành lập Ban Quản trị nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì 2% theo quy định của pháp luật. Thực tế này dẫn đến tình trạng cư dân bức xúc kéo dài, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Ông đề nghị Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trong các vấn đề này và cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong khi đó, ĐB Quốc Khánh (Hoàng Mai) dẫn thực tế nhiều ban quản trị nhà chung cư còn hạn chế trong kiến thức, cập nhật văn bản… Vậy Sở Xây dựng khắc phục điều này như thế nào.
|
|
Cư dân tụ tập đông người phản đối chủ đầu tư chung cư không làm đúng quy định của pháp luật |
Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội Lê Văn Dục cho rằng cho nhiều nguyên nhân của việc nhà ở thương mại chủ đầu tư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc số cư dân vào ở còn chưa đủ dẫn tới việc không thể tổ chức hội nghị nhà chung cư. Thậm chí xuất phát từ chính ý thức tham gia của những cư dân. Về mặt chính quyền, trách nhiệm còn thuộc về các UBND quận, huyện. Còn về Sở Xây dựng chịu trách nhiệm yêu cầu các chủ đầu tư bàn giao đầy đủ hồ sơ. Hiện toàn Hà Nội đã bầu được 310 ban quản trị trong các chung cư thương mại và 71 chung cư tái định cư.
Chuyển hồ sơ công trình chây ỳ khắc phục PCCC sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Đại biểu Duy Hoàng Dương (huyện Hoài Đức) đặt vấn đề hiện còn bao nhiêu công trình chung cư không đảm bảo PCCC, 6 tháng đầu năm đã phát sinh thêm bao nhiêu công trình vi phạm mới. Ông đề nghị lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội làm rõ trách nhiệm của mình đối với những trường hợp này và cho biết lộ trình cụ thể khắc phục vi phạm. "Đặc biệt đối với 68 chung cư tái định cư không đảm bảo PCCC, phải có giải pháp như thế nào và đến khi nào xong?"
Trả lời chất vấn, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết trong các tồn tại, vi phạm liên quan an toàn PCCC ở các tòa nhà chung cư cao tầng, nổi lên 2 nhóm đối tượng.
Nhóm thứ nhất là vi phạm trong quá trình đầu tư, tức các công trình được phê duyệt và triển khai thi công hoàn thiện, đã đưa dân vào sử dụng nhưng chưa hoàn tất, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc nghiệm thu về an toàn PCCC. Qua rà soát điều tra, nhà chức trách phát hiện 79 công trình vi phạm đã đưa dân vào ở tương đối ổn định. HĐND, UBND Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan vào kiểm tra, xử lý và khắc phục. Đến ngày 30/6, 55/79 công trình vi phạm trong quá trình đầu tư, đã giải quyết khắc phục và được nghiệm thu.
Một số vướng mắc cấp thành phố không khắc phục được liên quan đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn, pháp luật hiện hành thì phải báo cáo với các bộ, ngành có thẩm quyền hướng dẫn giải pháp khắc phục… Đến nay, 24 công trình còn tồn tại vi phạm. Qua theo dõi, đôn đốc, 10 công trình các chủ đầu tư đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, tiến độ khắc phục đã được khoảng 70%. Bảy công trình dù chủ đầu tư đã có ý thức tìm giải pháp khắc phục nhưng liên quan đến thay đổi mục đích, công năng sử dụng, thậm chí một công trình thay đổi kết cấu xây dựng nên phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng giải quyết.
|
|
An toàn PCCC chung cư là mối quan tâm của cư dân |
Còn 5 công trình mà chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ không chịu khắc phục vi phạm, dù có nhiều lý do, Cảnh sát PCCC Hà Nội đang củng cố, hoàn thiện hồ sơ, các lỗi vi phạm để tiếp tục chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xem xét xử lý theo quy định pháp luật. "Trước đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã chuyển 3 hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra. Tới đây tiếp tục chuyển 5 hồ sơ nữa, như vậy là 8 hồ sơ", thiếu tướng Hoàng Quốc Định nói.
Giải trình thêm cuối phiên chất vấn, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, khẳng định thành phố sẽ quyết liệt xử lý triệt để vấn đề, tăng cường công tác quản lý, nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Trong khi đó, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý các cơ quan Nhà nước: Cần tăng cường trách nhiệm của địa phương. Với chủ đầu tư cố tình vi phạm, thành phố sẽ cương quyết không giao dự án mới. Thành phố cũng sẽ xem xét xử lý các cá nhân, tổ chức, gây bất ổn tình hình an ninh.
Hà Nhân