leftcenterrightdel
  KĐT Đặng Xá

Hàng loạt vi phạm PCCC bị phát hiện

Theo kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Lâm về công tác phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình nhà cao tầng, tại Khu đô thị (KĐT) Đặng Xá có tới 11 tòa nhà chung cư cao tầng tồn tại các vi phạm về PCCC, cụ thể là các tòa D1, D2, D3, D4, CT3, CT4, CT5, CT6, CT7, CT8, CT9. Và, đây cũng chính là những tòa chung cư cao tầng vừa được Cảnh sát PCCC Hà Nội nêu tên trong danh sách các công trình cao tầng tại Hà Nội tồn tại vi phạm về PCCC.

leftcenterrightdel
 Hệ thống chữa cháy tự động bị hỏng

KĐT Đặng Xá do Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera - Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, có tổng diện tích gần 70 héc-ta. Tại KĐT này, ngoài các kiểu nhà biệt thự, liền kề, chung cư thấp tầng còn có nhiều nhà chung cư cao tầng. Các khu nhà tại đây, được đưa vào sử dụng từ những năm 2012 - 2013. Hiện nay, KĐT này đã có trên 10 nghìn cư dân chuyển về đây sinh sống.

Được biết, trong quá trình xây dựng, các công trình chung cư cao tầng này đều có thiết kế và được thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Và khi đưa vào hoạt động, các công trình này cũng đã được nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động hệ thống PCCC đã bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng không hề được sửa chữa.

leftcenterrightdel
 Cửa thoát hiểm lên tầng tum bị khóa chặt

Kết quả kiểm tra cho thấy, hệ thống phòng cháy, đầu báo cháy, họng nước, hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động đều bị hỏng. Với hệ thống thang bộ, đa phần các chung cư tại đây chỉ có 1 thang kín, trong khi đó quy chuẩn hiện nay yêu cầu phải có 2 thang kín. Cùng với đó là hệ thống cửa thang kín đã bị hỏng hóc, các tay co đóng tự động không còn tác dụng. Nguy hiểm hơn cả là cửa thang tại tầng trệt, cửa ra bãi xe mở ra và bị chèn lại; cửa lên tầng tum bị khóa chặt. Bên trong cầu thang để nhiều vậy dụng như xe đạp, chậu cây… Việc này rất nguy hiểm vì nếu không may xảy ra hỏa hoạn, lối thoát nạn bị chặn bằng các chướng ngại vật, người dân dễ bị vấp ngã, dẫm đạp lên nhau.

Tại tầng 1 các tòa nhà D1, D2, D3, D4, CT3, CT5, CT6 đều bị ngăn chia đem cho thuê làm văn phòng, nhà trẻ, siêu thị, ngân hàng… không đúng so với thiết kế được thẩm duyệt. Điều này làm cản trở việc tiếp cận của các phương tiện PCCC và lối thoát nạn của cư dân. Các lỗ kỹ thuật thông tầng tại các tòa nhà CT3, CT4, CT5 chưa được bịt bằng vật liệu chống cháy. Trong buồng thang bộ lại bố trí phòng kỹ thuật điện và ống đổ rác thông tầng. Việc này rất nguy hiểm vì nếu không may xảy ra hỏa hoạn, khói sẽ thông từ tầng bị cháy sang các tầng khác.

Lỗi do chủ đầu tư

Theo Trung tá Hoàng Hà Trung - Phó trưởng phòng 11 Cảnh sát PCCC Hà Nội, việc khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC tại các tòa chung cư nói trên là rất khó khăn và tốn kém. Nguyên nhân xảy ra các vi phạm này có liên quan trực tiếp đến chủ đầu tư là Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera - Tổng Công ty Viglacera. Thứ nhất, việc chủ đầu tư tự ý ngăn chia diện tích tại tầng 1 nhiều tòa nhà, đem cho thuê làm văn phòng, nhà trẻ, siêu thị… đã làm thay đổi một phần công năng của tòa nhà, làm mất tác dụng của hệ thống báo cháy, chữa cháy. Vì vậy, cho đến nay, tầng 1 của nhiều tòa nhà chưa được nghiệm thu PCCC. Thứ hai, chủ đầu tư không kịp thời đôn đốc các nhà thầu trong việc sửa chữa, bảo hành các phương tiện, thiết bị PCCC. Thứ ba, việc xây dựng nhiều bục, bệ, ngăn lối giao thông trong KĐT dẫn đến việc không đảm bảo cho xe cứu hỏa tiếp cận các tòa nhà. Bên cạnh đó, nhiều ban quản trị các tòa nhà chưa tiến hành bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị PCCC. Một số ban quản trị được thành lập nhưng chưa nắm vững được trách nhiệm, nhiệm vụ được giao về PCCC.

leftcenterrightdel
 Cửa thang kín có tay co đóng tự động bị hỏng, phải chèn gạch.

Một số cư dân tòa nhà CT6 cho biết: Chủ đầu tư họ bảo tầng 1 thuộc sở hữu của họ nên việc họ ngăn chia, đem cho thuê làm ki-ốt, siêu thị… cư dân chúng tôi không có quyền được biết. Việc phát hiện các thiết bị PCCC bị hư hỏng, người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được sửa chữa. Có lẽ ở đây chưa bị cháy lần nào nên nhiều người vẫn còn chủ quan lắm.

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành KĐT Đặng Xá cho biết: Đúng là còn có những tồn tại vi phạm về PCCC. Hiện nay, anh em đang tiến hành khắc phục, trong tháng này là ổn.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV trong ngày 31/5/2018, tại các tòa chung cư nói trên, nhiều lỗi vi phạm về PCCC kể trên chưa có dấu hiệu được chủ đầu tư khắc phục, sửa chữa. Đường giao thông vẫn bị chặn; các cửa hàng, siêu thị vẫn hoạt động bình thường; tay co đóng tự động các cửa thang kín chưa được sửa chữa, thay thế…

leftcenterrightdel
 Việc xây dựng nhiều bục, bệ, ngăn lối giao thông trong KĐT dẫn đến việc không đảm bảo cho xe cứu hỏa tiếp cận các tòa nhà.
leftcenterrightdel
 Trung tá Hoàng Hà Trung: "Chủ đầu tư tự ý ngăn chia diện tích tại tầng 1 nhiều tòa nhà, đem cho thuê làm văn phòng, nhà trẻ, siêu thị… đã làm thay đổi một phần công năng của tòa nhà, làm mất tác dụng của hệ thống báo cháy, chữa cháy".

Trước đó, ngày 10/5/2015, Phòng số 11 - Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có văn bản số 1972/PC&CC11- Đ2 và văn bản số 1973/PC&CC11- Đ2, gửi Giám đốc Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera và ban quản trị các tòa nhà nói trên, về việc kiến nghị thực hiện đảm bảo công tác an toàn PCCC. 

Cũng theo Trung tá Hoàng Hà Trung, trong năm 2017, Phòng 11 – Cảnh sát PCCC Hà Nội đã 2 lần ra quyết định xử phạt hành chính đối với Xí nghiệp quản lý vận hành KĐT Đặng Xá, về lỗi không thực hiện kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, tổng số tiền phạt là 14 triệu đồng. “Vừa rồi, Xí nghiệp quản lý vận hành KĐT Đặng Xá có cam kết trong tháng 5/2018 này sẽ khắc phục, sửa chữa xong những lỗi vi phạm theo yêu cầu của PCCC. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra xem họ thực hiện cam kết đến đâu. Nếu họ không khắc phục, sửa chữa, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, Trung tá Hà cho biết thêm.

Báo Bảo vệ Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về việc xử lý “vấn đề” tiềm ẩn nguy cơ cháy tại  KĐT Đặng Xá.

 Khoảng 1h30’ ngày 23/3/2018, tại hầm để xe của chung cư Carina Plaza ở quận 8, TP. HCM bốc cháy. Đám cháy nhanh chóng nan rộng. Hậu quả đã làm 13 người tử vong, trong đó 12 người tử vong vì ngạt khói, và 48 người bị thương.

Cơ quan chức năng xác định 3 nguyên nhân chính khiến vụ cháy để lại hậu quả nặng nề, đó là: Báo cháy chậm; Hệ thống PCCC không hoạt động; Chủ đầu tư và người dân đã làm vô hiệu hệ thống thoát nạn.

Thời điểm xảy ra vụ cháy, tất cả các cửa thoát hiểm đều mở, đây là lý do khiến khói lửa bùng phát nhanh. Hệ thống báo cháy tự động không hoạt động, hệ thống phun nước không hoạt động, hệ thống máy bơm bù áp không hoạt động.

Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân chạy vào thang kín thoát hiểm ra ngoài. Tuy nhiên, cửa vào thang thoát hiểm đã bị dùng gạch chặn hoặc mở hết cỡ nên không tự động đóng được. Do đó, khói độc, khí độc đã bay vào thang thoát hiểm, hậu quả 12 người đã bị tử vong vì ngạt khói tại thang bộ thoát hiểm.

 

Nhật Anh - Hà Tây