(BVPL) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc kết thúc thí điểm hoạt động 2 tập đoàn ngành xây dựng trên cơ sở đề xuất của chính Bộ chủ quản.
Theo đó, Thủ tướng quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) sau hơn 2 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế.
Cùng với việc kết thúc thí điểm 2 tập đoàn, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập Tổng công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà trước đây. Đồng thời thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trước đây.
Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chuyển các đơn vị, gồm: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng; Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam về trực thuộc Bộ Xây dựng.
Đồng thời, chuyển quyền quản lý phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng và Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng từ Tập đoàn Sông Đà về Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng được Thủ tướng ủy quyền bổ nhiệm Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên, sau đó Hội đồng thành viên bổ nhiệm tổng giám đốc đối với các tổng công ty nêu trên.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty, gồm: Lắp máy Việt Nam, Xây dựng và phát triển hạ tầng, Cơ khí xây dựng, Xây dựng Bạch Đằng, Xây dựng Hà Nội, Thủy tinh và gốm xây dựng, Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam theo quy định.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, chỉ đạo sắp xếp tổ chức sản xuất, ổn định bộ máy, cán bộ... để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trả lời Cổng thông tin điện tử Chính phủ về việc dừng thí điểm 2 tập đoàn nói trên, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, cho hay, khác với các tập đoàn khác, hai tập đoàn này hình thành trên cơ sở tổ chức lại 11 tổng công ty của Bộ Xây dựng. Tập đoàn Công nghiệp xây dựng lấy Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị lấy Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị làm nòng cốt.
Đặc biệt, cùng với thất bại của Vinashin, hai tập đoàn xây dựng nói trên không đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập là hình thành các tập đoàn xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực bất động sản, các tổng công ty chọn làm nòng cốt không thực hiện được vai trò nòng cốt. Thực tế quản lý, phát triển và hiệu quả sản xuất kinh doanh đã cho thấy, không nên tiếp tục duy trì 2 tập đoàn này.
“Việc thí điểm hình thành 2 tập đoàn xây dựng dựa trên cơ sở lắp ghép cơ học các đơn vị, khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy. Do đó, việc thí điểm thành lập tập đoàn không những chưa tạo điều kiện cho Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị phát triển, thậm chí còn ngược lại. Có thể, ở đây quan hệ sản xuất đi trước một bước nên việc thí điểm 2 tập đoàn này không thành công”, ông Muôn nói.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định, việc thí điểm có thể thành công, có thể không. Nếu không thành công phải kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh.
Ông Muôn cho biết, ngoại trừ 2 tập đoàn nói trên và Vinashin, hầu hết các tập đoàn kinh tế còn lại đều đang hoạt động tốt, đạt mục tiêu đề ra.
Liên quan đến quyền lợi khách hàng, người lao động sau khi kết thúc thí điểm 2 tập đoàn, ông Phạm Viết Muôn cho hay, mọi hợp đồng mà khách hàng đã ký với Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam sẽ được Tổng công ty Sông Đà kế thừa, các hợp đồng mà khách hàng đã ký với Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam cũng sẽ được Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị Việt Nam kế thừa. Các đơn vị thành viên cũng tiếp tục kế thừa các quyền và nghĩa vụ đã cam kết.
Do đó, việc kết thúc thí điểm không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh.
*Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) được thành lập vào cùng một ngày 12/1/2010, trong đó VNIC do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tương đồng thuộc Bộ Xây dựng. Còn Tập đoàn HUD được thành cơ sở bộ máy tổ chức của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Việt Nam.
Theo Vneconomy.vn