Cũng giống như nhiều địa phương khác, mặc dù đã có nhiều hoạt động để triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) 2013, tuy nhiên các ngành chức năng ở TP.Cần Thơ vẫn đang gặp không ít những thách thức trong việc đưa luật vào cuộc sống.

Chính quyền bối rối

Ông Huỳnh Thanh Phường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường H.Thới Lai, thừa nhận: “Những năm gần đây đã xảy ra hàng trăm vụ tranh chấp dân sự do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cấp sai, cấp nhầm, diện tích trên giấy không trùng với diện tích đất thực tế. Nhiều hộ, trong sổ đỏ ghi 1.000 m2, nhưng thực tế đo lại diện tích đất lên đến 1.500 m2. Có trường hợp khi đo đạc lại, mấy hộ bên cạnh thấy ông này diện tích thực tế tăng nhiều quá thì lại phát sinh tranh chấp. Đây là hệ lụy từ năm 1992 cấp đại trà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, không tiến hành đo đạc cụ thể. Những vụ tranh chấp kiểu này, tòa án đành bó tay, do các cơ quan Nhà nước sai, tòa làm sao xử tranh chấp cho người dân. Nay Nghị định và Thông tư của Nhà nước cần đưa ra hướng xử lý tình trạng này”.

Đối với việc chuyển quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn Lắm, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, phân trần: “Theo quy định của Nhà nước, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đầy đủ chữ ký đồng ý của mọi thành viên trong gia đình. Có trường hợp, gia đình có người ở nước ngoài không ký được, chủ hộ đến nói với chính quyền xã rằng, người ở nước ngoài đó ủy quyền cho người còn lại trong gia đình ký và UBND xã đã linh động xác nhận cho họ. Thế nhưng, sau đó, người ở nước ngoài về lại kiện, họ nói họ không ủy quyền cho ai ký. Cho nên từ đó về sau, xã cứ căn cứ theo quy định mà làm, dù biết như vậy là rất cứng nhắc”.

Giải đáp về việc không cho xây nhà trên kênh, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn H.Cờ Đỏ, cho biết: “Tập quán của người dân đồng bằng sông Cửu Long trước kia thường dựng nhà trên kênh rạch, rất mất an toàn. Nay theo chỉ đạo của Nhà nước, không cho dân cất nhà trên kênh nữa, nhưng xã cũng không có quỹ đất để di chuyển dân đi chỗ khác”.

Tại H.Cờ Đỏ, ông Trần Trí Phương, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cũng giãi bày về những khó khăn khi thực thi Luật Đất đai 2013: “Theo Điều 190, những hộ gia đình không làm nông nghiệp thì không được nhận cho, thừa kế quyền sử dụng đất trồng lúa. Chúng tôi rất bối rối trước điều này. Với những người làm cán bộ như chúng tôi, tại sao cha mẹ tặng cho mà chúng tôi không được nhận?”.

Theo quy định, khi thu hồi đất cho các dự án, nông dân ngoài việc được nhận tiền bồi thường, còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề với mức tiền không quá 5 lần giá đất. Riêng cán bộ công chức, viên chức, người đã có nghề phi nông nghiệp thì không được khoản này. Thế nhưng, phần lớn lực lượng cán bộ xã lương rất thấp, không đủ sống nên ngoài giờ làm việc, họ phải làm thêm ruộng. Nếu thu hồi đất ruộng của họ mà lại không hỗ trợ chuyển đổi nghề, thì sẽ khiến cán bộ thua thiệt.

Ông Phương cho rằng đang có sự bất bình đẳng về giá đền bù đất bị thu hồi. Cụ thể tại H.Cờ Đỏ giáp ranh với Q.Ô Môn và Thốt Nốt: trên một trục đường, nhưng giá đền bù lại khác nhau. Nhiều trường hợp hai nhà cạnh nhau hoặc chỉ cách nhau vài chục mét cùng trên một con đường, nhưng nhà thuộc H.Cờ Đỏ chịu mức giá đền bù chỉ bằng một nửa so với mức giá của nhà nằm trên địa bàn Q.Ô Môn và Thốt Nốt, tình trạng này khiến người dân rất bức xúc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Cần Thơ, cho biết: “Cơ sở dữ liệu đất đai còn yếu và thiếu. Theo quy định, những hộ dân bị thu hồi đất, nếu không có đất ở hoặc nhà ở nào khác, thì sẽ được hỗ trợ tái định cư, hoặc bồi thường bằng đất ở chỗ khác. Nhưng thực hiện điều này rất khó khăn vì thiếu quỹ đất”.

 

Theo NTD

.