Chương  trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, được triển khai thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị và của Ban Bí thư về Đề án “Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới”.

 

Việc xây dựng nông thôn mới (NTM), khẳng định được chủ trương xây dựng mô hình NTM là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu và điều kiện nước ta hiện nay. Nhà nước xác định được những cơ chế, chính sách cần đổi mới, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách tài chính, cơ chế quản lý xây dựng cơ bản các cơ sở hạ tầng phù hợp với địa phương, nhất là chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới. Đó là cơ chế tài chính theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư và nhân dân đóng góp với tỷ lệ hợp lý.

 

Tình nguyện viên tham gia làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới
Tình nguyện viên tham gia làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới
 
Qua hơn hai năm triển khai, chương trình xây dựng NTM cần nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhân dân có hạn nên tiến độ triển khai các dự án rất chậm, một số nội dung không có kinh phí riêng như phát triển sản xuất. Điều đó thể hiện ngay tại 11 xã thí điểm của Trung ương.
 
Tổng hợp 11 xã điểm của Trung ương, tổng số vốn đến tháng 12-2010 lũy kế là 940,1 tỉ đồng, bình quân 1 xã là 85,4 tỉ đồng. Các công trình xây dựng nông thôn mới các xã điểm phần lớn nhờ nguồn lực của Trung ương hỗ trợ (40%), ngân sách  địa phương và của dân cư không đáng kể (12,4%) vốn doanh nghiệp còn quá ít (8,9%)... 
 
Tại Hà Nội, đến nay có 19/19 huyện, thị xã đã thực hiện khảo sát, lập đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp huyện; 325 xã đã lập xong đề án xây dựng NTM cấp xã. Các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm đã phê duyệt đề án NTM cho 100% số xã trên địa bàn. Bên cạnh đó, 255 xã đã lập xong quy hoạch, 150 xã đang tiến hành triển khai. Nhiều huyện làm tốt công tác quy hoạch như Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ…
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM Hà Nội tiến độ lập quy hoạch ở các huyện vẫn chậm so với kế hoạch; nguồn lực chủ yếu vẫn dựa vào Nhà nước, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế.
 
Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hà Nội cho rằng: 781 chính sách tam nông của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa bằng đề án xây dựng nông thôn mới, phát huy nội lực của địa phương mà nội lực ở đây là sức dân, lòng dân.
 
Từ xã điểm đầu tiên của Thành phố là xã Thụy Hương (Chương Mỹ), thành phố nhân rộng ra ba xã tiếp theo: Song Phượng (Đan Phượng), Đại Áng (Thanh Trì), Mai Đình (Sóc Sơn), từ đó tiếp tục đồng bộ triển khai trên địa bàn các huyện để phấn đấu đến năm 2015, 40% địa phương sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng NTM. 
 
Ông Lê Đăng Minh, Chủ tịch UBND xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: Là một trong những xã điểm của TP. Hà Nội, nhưng chúng tôi rất khó hoàn thành đúng tiến độ trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, xã Mai Đình đã cơ bản hoàn thành từ 10 – 12 tiêu chí, nhưng 7 tiêu chí còn lại đòi hỏi cần một nguồn vốn lớn nên rất khó thực hiện. 
 
Trên thực tế, nhiều vấn đề tại Mai Đình vẫn còn đang ở thời điểm xuất phát bởi lẽ hạ tầng cơ sở của xã vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. 
 
Cũng theo ông Minh, đề án có tổng kinh phí gần 253 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, huyện, xã, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn huy động đóng góp của nhân dân và các nguồn tài chính hợp pháp khác nhưng trên thực tế thì đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa được cấp đầy đủ kinh phí như trong đề án đã nói. 
Phần lớn nguồn vốn xây dựng NTM tại Hà Nội, lấy từ ngân sách trong khi sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân rất hạn chế. 
 
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội, tính đến hết 30/6/2011, nguồn kinh phí bố trí thực hiện đề án xây dựng NTM tại 19 xã điểm trên địa bàn thành phố là 771.066 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách (T.Ư, thành phố, huyện, xã) và lồng ghép đạt 719.257 triệu đồng, chiếm tới 93,2%. Còn lại, vốn do nhân dân đóng góp chỉ đạt 27.476 triệu đồng (3,5%), vốn doanh nghiệp 23.502 triệu đồng (3%), vốn xã hội hóa 831 triệu đồng (0,1%).
 
Việc huy động vốn từ nhân dân, các doanh nghiệp để xây dựng, phát triển NTM không dễ dàng như trong suy nghĩ của nhiều người. Hiện tại, nhiều dự án của địa phương còn đang dở dang, ngay như việc làm đường giao thông cũng vậy, cứ đào lên rồi lại lấp xuống mà làm mãi không xong vì thiếu nguồn vốn. Ngay như, các huyện Đông Anh, Gia Lâm – Hà Nội quy hoạch xong, nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện được nhiều vì chưa có kinh phí.
 
Trong khi đó chủ trương xây dựng NTM là nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đầu tư và nhân dân đóng góp. Ở nhiều nơi, người dân đã tình nguyện hiến đất để làm đường. Đơn cử như tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, khi xây dựng NTM, người dân hiến hơn 3.000m2 đất. 
 
Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM nhiều nơi  khó thực hiện. Bởi lẽ, theo nhiều doanh nghiệp cho biết: Nếu doanh nghiệp đầu tư BT (Xây dựng – chuyển giao) đối với chương trình xây dựng NTM, như xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá, trường học… thủ tục hành chính vẫn khó khăn, vốn đầu tư lớn mà lợi nhuận thu được không cao.
 
Thậm chí, đơn vị xác định việc đầu tư xây dựng BT đối với chương trình NTM là trách nhiệm và ý thức đóng góp với xã hội của doanh nghiệp. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có cơ chế mở, thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới theo hình thức BT, nhất là đối với việc đầu tư đường giao thông nông thôn.
 
Nhà đầu tư theo hình thức BT, luôn là hình thức được chính phủ khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khi tham gia chương trình NTM chủ động tổ chức triển khai, ứng vốn để thi công công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương. Bởi lẽ, giao thông nông thôn phát triển, không những tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu thương mại.
 
Xung quanh vấn đề thực hiện đề án NTM, nhiều chuyên gia cho rằng: Hà Nội đã xây dựng được các mô hình NTM tốt, đã quan tâm bố trí kinh phí và huy động được các nguồn lực… Nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, Hà Nội cũng còn một số tồn tại như: Quy hoạch chậm, các dự án nông nghiệp triển khai chậm, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, tiến độ thực hiện ở một số xã còn chậm…
 
Do vậy, trong thời gian tới Hà Nội cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn công tác quy hoạch và xây dựng đề án. Để huy động được nguồn vốn, TP. Hà Nội nên lồng ghép các chương trình, tổng hợp các nguồn vốn trên địa bàn. Đồng thời, chúng ta cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng NTM theo hình thức BT.
 
Nhóm PV