(BVPL) - Bên cạnh việc xác định các vấn đề đang gây trở ngại đối với sự tuân thủ người nộp thuế thì theo nhận định của các chuyên gia, cải cách thuế là một yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh.

 


Ông Phạm Ngọc Thạch – Phó trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, đã tiến hành khảo sát sự hài lòng của người nôp thuế tại 63 cục Thuế. Kết quả, theo đánh giá của doanh nghiệp về tiếp cận thông tin có 51% đánh giá dễ tiếp cận văn bản pháp luật, chính sách thuế; tỉ lệ hài lòng với việc giải đáp vướng mắc của cơ quan thuế là 77%; 49% doanh nghiệp khảo sát cho biết từng gặp phiền hà trong TTHC thuế, thủ tục mất nhiều thời gian nhất là miễn giảm hoặc hoàn thuế. Về công tác thanh kiểm tra, có 31% doanh nghiệp phản ánh “cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp”…Đồng thời, khảo sát cũng cho thấy điều doanh nghiệp cần (chiếm 86%) là tiếp tục đơn giản TTHC thuế, tiếp đến (79%) mong muốn mở rộng các hình thức thông tin về cơ quan hành chính thuế và thủ tục hành chính thuế 61% cần rút ngắn thời gian hành chính thuế…

Với mục tiêu tổng quát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường hiệu quả quản trị nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong các năm 2014, 2015 và 2016 cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể nhằm giảm gánh nặng thủ tục liên quan đến thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, đến cuối 2020, Việt Nam sẽ là một trong 04 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thời gian thực hiện TTHC thuế. Đến năm 2020, tối thiểu có 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet và 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội đồng tư vấn thuế, gần như 100% doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá cao nỗ lực của ngành Thuế trong thực hiện cải cách cả về hệ thống chính sách thuế và quản lý hành chính thuế. Đặc biệt là nỗ lực trong ứng dụng CNTT trong quản lý thuế... Song bà cũng cho biết, do nhiều địa phương mong muốn thu hút đầu tư về địa phương mình nên đã đưa ra những ưu đãi không đúng so với các văn bản quy phạm pháp luật chính thống, có sự khác biệt quan điểm giữa Trung ương và địa phương, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính toán hiệu quả đầu tư, ưu đãi thuế. Ngoài ra, một số nội dung hướng dẫn chi tiết còn chưa được kịp thời, đồng bộ, rõ ràng giữa các sắc thuế liên quan.

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng- Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, đến nay đã giảm được khoảng 420 giờ/530 giờ nộp thuế đạt 78%, điều này đã góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Song ông cũng thừa nhận vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, để tạo thuận lợi hơn nữa, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều cải cách để đạt được mục tiêu ASEAN 4 vào năm 2017 và ASEAN 3 vào năm 2020.

Bà Hoàng Thị Lan Anh- Phó trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho rằng: Đây là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi khoảng cách còn khá xa so với các nước trong khu vực. Song không còn con đường nào khác, buộc ngành Thuế phải thực hiện. Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện các yêu cầu này.

Cụ thể, xây dựng quy định và cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế. Xây dựng nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế. Đặc biệt, xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để thực hiện hóa đơn điện tử. Thực hiện ứng dụng CNTT tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế.

Ngoài ra, bà cũng cho biết sẽ triển khai cấp mã số thuế tự động cho người nộp thuế; Xây dựng cơ sở dữ liệu để phân loại, đánh gia xếp loại người nộp thuế theo mức độ tuân thủ để thực hiện quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro; Triển khai dịch vụ một cửa điện tử của cơ quan thuế.

Với những giải pháp nỗ lực từ ngành Thuế, hy vọng doanh nghiệp sẽ tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tuân thủ, thực thi… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
 

Nguyễn Anh

.