Dự kiến hôm nay các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ tính toán và có văn bản đề xuất lên Bộ Tài chính xin tăng giá xăng dầu. Mức tăng đề xuất dự kiến khoảng 1.000 đồng/lít xăng.

 


Theo một cán bộ phòng kinh doanh của DN đầu mối lớn tại Hà Nội, trong ngày hôm nay 23/8, các DN sẽ họp bàn và thống nhất phương án đề nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Vị này cho biết, so sánh với giá xăng dầu thế giới với lần tăng giá cách đây 10 ngày, các mặt hàng xăng dầu đều không hạ nhiệt, thậm chí còn tăng lên khá cao.

 
Cụ thể, giá xăng nhập khẩu ngày 12/8 có giá 124,68 USD thùng, dầu Diezel 05S 128,7 USD/thùng thì đến ngày 17/8 đã lên mức lần lượt 127 USD và 133 USD/thùng. Tính ra mỗi lít xăng DN lỗ 1.000 đồng và 500 đồng/lít dầu. Nếu tính giá nhập khẩu so sánh bình quân 30 ngày từ 14/7 đến 10/8, giá bình quân mặt hàng xăng tăng hơn 3% và dầu hơn 2%.

Cán bộ kinh doanh này còn cho biết, trong lần tăng giá 1.100 đồng/lít xăng ngày 13/8 vừa qua, nếu Bộ Tài chính thực hiện giảm thuế nhập khẩu xăng dầu thì khả năng không phải tăng giá xăng dầu là rất cao. Vị này tính toán, trường hợp Bộ Tài chính giảm thuế 5% từ mức 12% về 7% và trích quỹ bình ổn thì không cần tăng giá bán. Cụ thể, giảm 5% thuế tương đương khoảng 800 đồng/lít xăng, cộng thêm trích quỹ bình ổn 300 đồng sẽ bù lỗ được cho DN.

“Hiện nay một lít xăng nhập về DN phải chịu mức thuế nhập khẩu 12% (1.910 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (1.700 đồng), thuế môi trường1.000 đồng và thuế VAT 2.000 đồng, gộp các khoản chi phí bán hàng khác, mỗi lít xăng tiền thuế đã lên đến 7.000-8.000 đồng.

Nếu tính một lô hàng nhập về 5.000 tấn, DN đầu mối mất khoảng hơn 10 tỉ đồng tiền thuế. Đây là một khoản khá lớn cho ngân sách nhà nước”, vị này tiết lộ.  

Chia sẻ với PV, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng, khả năng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ Bộ Tài chính là rất thấp. Bởi thuế xăng dầu là nguồn thu cực kì lớn, trong bối cảnh các mảng kinh tế khác khó khăn, nguồn thu bị hẹp lại, việc giữ nguyên mức thuế đối với xăng dầu là phương án bù lỗ nguồn thu cho ngân sách.

Mặt khác, theo ông Ánh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng qua ở mức âm là nguyên nhân để DN xin tăng giá xăng dầu. Trước đây khi lạm phát lên cao, nhiều DN xin tăng giá nhưng vì mục tiêu kiềm chế lạm phát nên Bộ Tài chính chưa cho tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước,…

"Thời điểm này khi CPI giảm mạnh, DN ngay lập tức tính đến chuyện xin tăng giá để bù vào đợt kiềm giá trước đó. Ngoài ra, việc tăng giá xăng dầu vừa qua không tác động đến kết quả tính CPI của tháng 8 (chốt từ 15/8), trong khi các hãng vận tải đều chọn phương án tăng giá cước từ 16/8", ông Ánh nói.

 

Theo VTC

.