leftcenterrightdel
 Dự án Trại chăn nuôi lợn nái của Công TNHH MTV Dũng Giang tại bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế, Bắc Giang) đã vi phạm pháp luật về môi trường.

Thực hiện Văn bản số 1960/UBND-KTN ngày 6/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh về chấp hành pháp luật trong thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước bên ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách ở ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tiến độ đầu tư và tình hình triển khai thực tế của các nhà đầu tư. Sau quá trình tổng hợp, kiểm tra, rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã có văn bản báo cáo, trong đó đã chỉ ra hàng loạt sai phạm.

21 dự án đầu tư sai mục tiêu

Theo kết quả rà soát, tính đến ngày 28/8/2022, bên ngoài các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 1.395 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó có 1.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 84.267,7 tỷ đồng và 155 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 799 triệu USD và sử dụng khoảng trên 11.340,4ha đất và mặt bằng.

Báo cáo cho biết, trong các dự án nêu trên, hiện có 102 dự án đang được triển khai xây dựng. Trong số các dự án đang xây dựng có 42 dự án đã chậm tiến độ so với tiến độ đã được chấp thuận đầu tư). Một số dự án chậm tiến độ khá dài như: Dự án Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm An Phú trên địa bàn huyện Yên Dũng hay Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã Xuân Phú, Lãng Sơn, Quỳnh Sơn và Trí Yên, huyện Yên Dũng của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn.

Một số dự án đã được thuê đất nhưng chỉ xây dựng một số công trình phụ trợ mà chưa xây dựng các hạng mục công trình chính để đưa dự án đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang của Công ty Cổ phần nhiệt điện An Khánh; Dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp chế biến than, Khu liên hợp chế tạo cơ khí, sản xuất gỗ MDF của Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt; Dự án Hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics quốc tế thành phố Bắc Giang của Công ty TNHH Logistics quốc tế Bắc Giang).

Ngoài ra, qua rà soát cho thấy hiện có 21 dự án đã được thuê đất nhưng chưa triển khai xây dựng; 190 dự án chưa được cho thuê đất để thực hiện dự án; 53 dự án (trong đó có 14 dự án FDI) ngừng hoạt động hoặc không hoạt động; 157 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án từ trước đến nay; 143 dự án chậm tiến độ thực hiện dự án (chiếm 10,2% tổng số dự án).

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra 21 dự án đầu tư sai mục tiêu dự án. Trong đó, thành phố Bắc Giang có 13 dự án; huyện Yên Dũng có 4 dự án; huyện Lục Nam có 01 dự án; huyện Hiệp Hòa có 02 dự án; huyện Việt Yên có 01 dự án.

74 dự án vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng

Theo nội dung báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 920 dự án đã thực hiện thủ tục về xây dựng (chiếm 65,94 % tổng số dự án); 74 dự án vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng. Trong đó, 27 dự án xây dựng không có Giấy phép xây dựng; 26 dự án xây dựng sai phép; còn lại là một số dự án xây dựng khi chưa thẩm định thiết kế, xây dựng trên đất không được cho thuê, xây dựng không đúng nội dung giấy phép, hoặc không có bản vẽ thiết kế, không đúng bản vẽ thiết kế...

Trong các dự án vi phạm về xây dựng, huyện Lạng Giang có 26 dự án (trong đó có 20 dự án xây dựng không phép, 3 dự án xây dựng sai phép, 3 dự án xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế hoặc thiếu bản vẽ thiết kế; đến nay nhà đầu tư đã chấp hành xử phạt với số tiền 255 triệu đồng và cơ bản khắc phục các sai phạm theo quy định); huyện Yên Thế có 2 dự án (trong đó vi phạm của dự án là thi công không đúng nội dung giấy phép với số tiền xử phạt là 47,5 triệu); huyện Lục Ngạn có 1 dự án (trong đó có 1 dự án đã bị xử lý vi phạm); huyện Hiệp Hòa có 1 dự án (trong đó dự án đã bị xử lý vi phạm); huyện Việt Yên có 30 dự án (trong đó các dự án đã bị xử lý vi phạm); huyện Tân Yên có 14 dự án (các dự án đã bị xử lý vi phạm).

78 dự án chưa thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường

Theo kết quả rà soát, đa số các dự án đầu tư đều cơ bản thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có 78 dự án chưa thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường (chiếm 5,59% tổng số dự án); trong đó, có 14 dự án đã được chấp thuận đầu tư từ những năm 2018 trở về trước đến nay nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về môi trường và 64 dự án mới được chấp thuận đầu tư từ tháng 9 năm 2020 đến nay.

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, bên cạnh các dự án đầu tư thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, còn một số dự án không tuân thủ nghiêm các cam kết hoặc những biện pháp đã đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Thậm chí có nhà đầu tư còn cố tình vi phạm nhiều lần mặc dù đã bị xử phạt (Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam – UBND tỉnh đã xử phạt 2 lần với tổng số tiền 743,5 triệu đồng, Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam – xử phạt 450 triệu đồng). Ngoài ra có một số dự án trong quá trình hoạt động còn xảy ra tình trạng rò rỉ, xả thải ra môi trường xung quanh như dự án “Nhà máy sản xuất giấy kraft” của Công ty TNHH Bắc Hà (theo phản ánh của nhân dân xung quanh, dự án có hiện tượng rò rỉ nước từ nhà máy qua tường rào vào kênh T4 và ngòi Bún); Công ty TNHH MTV Dũng Giang thực hiện không đúng các nội dung đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM…

leftcenterrightdel
 Dự án Hạ tầng, kho bãi trung tâm Logistics quốc tế thành phố Bắc Giang của Công ty TNHH Logistics quốc tế Bắc Giang.

8 dự án sử dụng đất sai mục đích

Kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số các dự án thuê đất, đến nay, đã có 1.164 dự án đã được cho thuê đất với tổng diện tích đất cho thuê là trên 7.499,9ha.

Qua rà soát các dự án có sử dụng đất phát hiện 8 dự án sử dụng đất sai mục đích hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng. Cụ thể: Dự án Nhà máy sản xuất kinh doanh cơ khí, mộc, bê tông đúc sẵn tại thôn Hà Nội, xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa của Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và xây dựng Hà Nội - nhà đầu tư tự ý chuyển mục đích từ đất sản xuất sang đất bãi đỗ xe đưa đón công nhân. Các dự án của Công ty Cổ phần cơ khí Đỗ Kha, Công ty Cổ phần Thương mại Sơn Thạch và Công ty TNHH Giấy Bình Dương (thuê đất thực hiện dự án trong Cụm công nghiệp Nội Hoàng) tự chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cụm công nghiệp sang cho thuê các ki-ốt dọc theo Quốc lộ 17 khi không được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó, một số dự án còn chậm đưa đất vào sử dụng. Điển hình như dự án Đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ ăn uống và kinh doanh tổng hợp của Công ty Cổ phần sản xuất gạch Đất Việt trên địa bàn huyện Tân Yên.

Theo Báo Xây dựng