Theo đó, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ TP Vũng Tàu với tổng diện tích 15.043 ha. Theo quy hoạch mới, diện tích Vũng Tàu trong tương lai sẽ được mở rộng đáng kể, so với quy hoạch trước đây tăng hơn 1.000 ha.

leftcenterrightdel
Sơ đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Lan Anh 7. 

Cụ thể, TP Vũng Tàu được chia thành bảy khu vực: Khu vực đảo Long Sơn, khu vực Gò Găng, khu vực Bắc Phước Thắng, khu vực công nghiệp - cảng, khu vực đô thị hiện hữu, khu vực Bắc Vũng Tàu (phía Bắc đô thị hiện hữu), khu vực phát triển du lịch ven biển Bãi Sau - Chí Linh.

Sau khi có quy hoạch mới này, diện mạo TP sẽ có nhiều thay đổi đáng kể, hàng loạt các siêu dự án, các công trình hạ tầng trọng điểm sẽ được triển khai giúp Vũng Tàu thay da đổi thịt một cách ngoạn mục.

Theo đó, TP Vũng Tàu sẽ khởi công gần 20 công trình hạ tầng lớn với tổng mức vốn đầu tư gần 1 tỷ USD như xây dựng đường Cầu Cháy, Hàng Điều, Nguyễn Hữu Cảnh, Thống Nhất nối dài… Các dự án phát triển cảnh quan, điểm vui chơi công cộng của thành phố cũng được khởi công như công viên Bàu Trũng, công viên Bàu Sen và dải công viên du lịch ven biển Bãi Sau, đường Thùy Vân.

leftcenterrightdel
UBND huyện Châu Đức đã tổ chức công bố phê duyệt Dự án Lan Anh 7 tại xã Nghĩa Thành. 

Ngoài ra, hàng loạt các đại dự án nghìn tỷ kết nối TP Vũng Tàu với các vùng kinh tế trọng điểm như QL 51 được mở rộng lên quy mô 6 làn xe, giúp việc di chuyển từ TP HCM đến Vũng Tàu chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được đốc thúc đẩy nhanh tiến độ với quy mô 4-6 làn xe. Đây là dự án trọng điểm để phát triển cảng biển, du lịch, giải tỏa thế độc đạo của QL51 đến BR–VT.

Về đường hàng không, ngoài sân bay Côn Đảo, thời gian tới tỉnh BR-VT sẽ đầu tư thêm 2 sân bay là Hồ Tràm và Gò Găng, khoảng cách giữa 2 sân bay chưa tới 30km. Bên cạnh đó, sân bay Long Thành được khởi công và khi công trình này đưa vào hoạt động, không chỉ giúp Vũng Tàu hút được nhiều khách hàng phía Bắc mà còn lượng du khách quốc tế. Khách du lịch giờ đây chỉ việc bay thẳng vào sân bay Long Thành, rồi mất khoảng 1 tiếng di chuyển qua tuyến cao tốc từ sân bay về Vũng Tàu.

"Giao thông là vấn đề sống còn của địa phương vì hiện chỉ có tuyến đường độc đạo QL 51 kết nối BR-VT với khu vực TP HCM, mà hiện tuyến này đã quá tải trầm trọng, thường xuyên kẹt xe nên việc di chuyển mất quá nhiều thời gian để đi từ Vũng Tàu về TP HCM. Vì thế, việc vận chuyển hàng hoá từ cảng rất khó khăn, cũng như vận tải hành khách bị ảnh hưởng" Chủ tịch UBND tỉnh BR – VT  Nguyễn Văn Trình cho biết.

Theo ông Trình, nếu không có tuyến đường này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch và cảng biển trong tương lai.

Quy hoạch duyệt, các công trình hạ tầng tỷ đô sẽ được đồng loạt triển khai sẽ tạo ra lực đẩy khổng lồ, giúp Vũng Tàu lột xác, thay da đổi thịt chỉ trong vài năm tới. Đây cũng là nguyên nhân chính, giúp Vũng Tàu hút hàng loạt các dự án tỷ đô trong thời gian tới.

Cụ thể, mới đây UBND huyện Châu Đức đã tổ chức công bố phê duyệt Dự án Lan Anh 7 tại xã Nghĩa Thành, do Công ty TNHH MTV Lan Anh làm chủ đầu tư.

Theo bà Nguyễn Nam Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Anh sẽ ưu tiên làm nhà ở xã hội khi được UBND tỉnh thông qua, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho nguời có thu nhập thấp, công nhân ở các KCN Châu Đức và Hoà Long.

“Với cam kết cùng người dân và chính quyền địa phương phát triển, các dự án của Lan Anh đã làm thay đổi bộ mặt, diện mạo nhếch nhác trước đây, thành những khu đô thị sang trọng, kết nối tiện ích hiện đại với những khu vực xung quanh” bà Phương cho biết.

Tại buổi lễ công bố Dự án Lan Anh 7, ông Nguyễn Duy Trinh, Bí thư xã Nghĩa Thành lấy làm vui mừng, dự án sẽ làm phát triển kinh tế của xã và làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới tại địa phương./.

Hương Trà