Dự án Làng đại học Đà Nẵng "treo" suốt 15 năm và cũng từng ấy thời gian người dân nằm trong diện quy hoạch của dự án phải sống cảnh khó khăn về sinh hoạt, an sinh xã hội cũng như việc an cư lạc nghiệp.

 
 
Vì nằm trong diện quy hoạch của dự án nên các hộ dân ở đây không thể tách thửa cho con cái đã trưởng thành, không được sang nhượng, không thể cầm cố thế chấp để vay vốn làm ăn, trời mưa thì ngập úng nhưng không thể sửa sang... Điều này đã gây bức xúc rất nhiều trong nhân dân.
 
Gia đình bà Mai Thị Tuyết (tổ 32, phường Hòa Quý) có 4 người con và một mẹ già, trong đó có 2 người con đã lập gia đình riêng. Vì bà không được tách thửa đất cho con nên tất cả đều phải sống chung trong một ngôi nhà chật chội. Mỗi mùa mưa bão, gia đình bà lại phải chạy qua nhà người khác ở nhờ vì ngập lụt đến gần nửa nhà. Khi cần tiền, bà muốn bán đất cũng không xong vì đất nằm trong diện quy hoạch.
 
“15 năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh chật chội mà không thể tách thửa cho con trong khi đất nhà tôi là hơn 3.000 m2, mùa mưa thì phải chạy lũ. Không biết chúng tôi còn phải sống như thế này để bao giờ”, bà Tuyết bức xúc.
 
Cùng nỗi bức xúc, ông Lê Trung Phú (tổ 22, phường Hòa Quý) cho biết: “Đất nhà tui đã kiểm định 2 lần nhưng đến nay vẫn chưa được đi, muốn xây dựng, sửa chữa cũng không được. Đất của mình, nhà của mình nhưng không thể làm gì”.
 
Bà Trần Thị Cam thì cho biết: “Nhà tui làm từ năm 1995 nhưng làm trên đất màu, giờ muốn chuyển đổi đất sử dụng cũng không được vì nằm trong diện quy hoạch. Con cái đã trưởng thành và có gia đình nhưng cũng không tách thửa cho chúng được. Cái bếp dột miết muốn sửa cũng không xong”, 
 
Cũng theo người dân nơi đây, họ muốn cơi nới thêm cái bếp, xây hàng rào hay xây chuồng gà, chuồng lợn để chăn nuôi cũng không được vì vướng quy hoạch. Cha mẹ muốn cho con cái đất không được xác nhận. Hàng ngàn người lại chịu cảnh thất nghiệp trong khi đất đai lại bỏ hoang.
 
Theo ông Phạm Cường, tổ trưởng tổ 32 cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn bởi vướng phải quy hoạch. Nhiều hộ gia đình có 4 – 5 người con đã trưởng thành nhưng không thể tách thửa vì thế cả mấy thế hệ điều sống trong một gia đình. Năm 1995, tổ 32 có 50 hộ dân, bây giờ lên 100 hộ nhưng nhà thì vẫn chừng đó chứ không có gì thay đổi. Ngay cả nhà văn hóa tổ – nơi để bà con sinh hoạt cũng không có. Người dân đã nhiều lần xin xây nhà văn hóa tổ nhưng đều không được. Mỗi lần họp tổ đều phải mượn nhà dân.
 
Quá bức xúc, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương cũng như tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết hợp lý.
 
Để tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân, năm 2010 UBND TP Đà Nẵng đã có công văn cho phép mỗi sổ đỏ được xây một ngôi nhà để trú bão với diện tích 50m2. Tuy nhiên, theo người dân, nếu nhà có 5 người con mà xây được 1 cái thì ai ở.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hòa, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, trên địa bàn phường Hòa Quý có khoảng hơn 1.000 dân nằm trong diện quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng và khu tái định cư định cư làng đại học. Cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn bởi không thể tách thửa cho con cái, không thể sang nhượng, cầm cố thế chấp vay vốn làm ăn, mùa mưa thì ngập úng. Theo ông Hòa, vấn đề này phường đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng vẫn chưa được giải quyết. "Đây là dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chúng tôi cũng chỉ có thể chia sẻ, cảm thông với những khó khăn của người dân chứ không làm được gì khác. Nhưng nếu dự án còn quy hoạch lâu thì mong thành phố và Bộ hãy để cho người dân được hưởng quyền lợi của họ", ông Hòa bày tỏ.
 
 Khánh Hồng / Dân trí
.