Dự án Núi Pháo được quản lý, vận hành bởi Công ty Núi Pháo, là một trong những dự án có quy mô đầu tư và tạo giá trị gia tăng bởi các sản phẩm công nghệ cao như Vonfram, Florit, Bismut, Đồng xuất khẩu lớn hàng đầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong năm 2022, Công ty Núi Pháo đạt được mức doanh thu tăng so với năm 2021, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 1.192 tỉ đồng, tăng 345 tỉ đồng so với năm 2021.
Bên cạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả, những năm qua, Công ty Núi Pháo đã thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ cộng đồng và phát triển kinh tế tại địa phương. Cụ thể, Công ty đã xây dựng các chương trình phục hồi sinh kế bền vững cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án như: Khuyến nông, vốn vay ủy thác và chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ bị ảnh hưởng và đặc biệt là mô hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ địa phương. Tính đến hết năm 2022, Công ty đã chi gần 4.000 suất phát triển kinh tế, với số tiền hơn 23 tỉ đồng thông qua các chương trình đào tạo các nghề như: May mặc, lái xe, hàn sắt, bảo vệ, nấu ăn, khởi sự kinh doanh, cùng các chương trình khuyến nông, như: Trồng nấm, trồng chè, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi bò, gà, ong, lợn.
|
|
Công ty Núi Pháo tham quan mô hình Sản xuất chè hữu cơ tại HTX chè Nhật Thức, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (ảnh: Trọng Tài) |
Trao đổi với phóng viên, chị Đào Thị Thức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Nhật Thức tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ chia sẻ: “Trong những năm qua, Hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Công ty Núi Pháo. Công ty đã hỗ trợ người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu sản phẩm…Nhờ đó, giá bán chè của Hợp tác xã đã tăng lên đáng kể, đảm bảo thu nhập cho 25 xã viên trung bình đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, Hợp tác xã Chè Nhật Thức mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Công ty Núi Pháo để giúp Hợp tác xã có cơ hội thực hiện thành công dự án về du lịch nông nghiệp, tham quan vùng chè và cơ sở chế biến nhằm quảng bá hình ảnh của cây chè Phục Linh tới du khách trong nước và quốc tế…”.
|
|
Ban lãnh đạo xã Tân Linh cùng Ban lãnh đạo Công ty Núi Pháo thăm mô hình nuôi ong và hỗ trợ nhiều máy quay mật cho Tổ hợp tác nuôi ong mật xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (ảnh: Trọng Tài) |
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Công ty Núi Pháo trong những năm qua trên địa bàn huyện Đại Từ đã có 16 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn được thành lập theo tiêu chuẩn VietGAP với gần 500 hộ tham gia và trên 110 ha chè đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, Công ty cũng hỗ trợ 40 hộ gia đình được sử dụng thương hiệu chè Thái Nguyên do Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên cấp phép. Không chỉ hỗ trợ người dân trong mô hình sản xuất chè, Công ty Núi Pháo đã dựa trên thế mạnh sẵn có của địa phương để hỗ trợ người dân thuộc các vùng bị ảnh hưởng bởi dự án có điều kiện làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Điển hình như, Công ty đã đồng hành cùng nhiều hộ dân thành lập Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
|
Mô hình nuôi ong mật do Công ty Núi Pháo đồng hành hỗ trợ cùng người dân xã Tân Linh, huyện Đại Từ bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế. (ảnh: Trọng Tài) |
Theo ông Bùi Khắc Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Tân Linh, Công ty Núi Pháo đã và đang hỗ trợ người dân nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó có mô hình nuôi ong lấy mật. Mới đầu, người dân nuôi ong do chưa có kinh nghiệm nên sản lượng mật ong còn thấp, sau khi Công ty Núi Pháo đồng hành hỗ trợ cho người dân tập huấn kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị…đã giúp sản lượng mật ong tăng lên và chất lượng hơn rất nhiều. Đặc biệt, tháng 3 vừa qua Công ty đã tin tưởng và đặt hàng 500 lít mật ong của Hợp tác xã nuôi ong xã Tân Linh, điều này đã giúp người dân có thêm động lực để phát triển mô hình nuôi ong thêm hơn nữa…’.
Đồng thời, để hỗ trợ người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, Công ty Núi Pháo đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ xây dựng Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế. Tính đến năm 2022, có hơn 340 hộ gia đình đang sử dụng quỹ (tổng giá trị 6,3 tỉ đồng). Vốn vay từ quỹ được các hộ gia đình đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế, giúp ổn định đời sống, tăng thu nhập và thoát nghèo.
|
|
Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH bao bì Anh Dương do Công ty Núi Pháo hỗ trợ thành lập hiện đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 150 lao động địa phương. (ảnh: Trọng Tài) |
Ngoài ra, Công ty Núi Pháo có chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động cho người bị ảnh hưởng như là một trong chiến lược đảm bảo sinh kế cho người dân. Hiện tại, có đến 50% người lao động làm việc trực tiếp tại Công ty là người địa phương. Đồng thời, Công ty đã xây dựng và phát triển các mô hình doanh nghiệp tại địa phương, hỗ trợ tuyển dụng lao động địa phương, đào tạo chuyên môn, an toàn, vận hành và tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, đã có 5 mô hình cung ứng địa phương được thành lập để cung cấp các mặt hàng, dịch vụ cho Công ty như: Doanh nghiệp Anh Dương (may túi đựng quặng), doanh nghiệp Khánh Hiền (may đồng phục), doanh nghiệp Hà Quang Huy (sản xuất giá đỡ hàng), Hợp tác xã vệ sinh môi trường Hà Thượng (dịch vụ vệ sinh môi trường), dịch vụ ăn uống. Các cơ sở này đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 150 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông Cộng đồng và Đối ngoại Công ty Núi Pháo cho biết: “Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, Công ty luôn xác định việc hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Công ty đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể để đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế, nông nghiệp một cách bài bản và bền vững. Trong thời gian tới, Công ty cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ để giúp tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người dân, thông qua việc nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm.”
Với những việc làm thiết thực, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo luôn hướng đến sự phát triển bền vững thông qua các hoạt động phát triển kinh tế và hỗ trợ cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đồng hành cùng sự phát triển của huyện Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.