Căn cứ vào các Đề án, Kế hoạch của VKSND tối cao về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo VKSND tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể cho từng năm phù hợp với điều kiện cán bộ của từng đơn vị. Trong đó, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc việc chọn cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị tại cơ sở đào tạo của Đảng, của ngành và địa phương

leftcenterrightdel
 Lớp tập huấn về kỹ năng kiểm sát giải quyết án hình sự và kỹ năng xây dựng sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự, dân sự, hành chính tại VKSND tỉnh Thái Nguyên.

Trong năm 2022, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã đăng ký cử 58 công chức đi bồi dưỡng tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, 01 đồng chí tham gia học khóa bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp năm 2022, đăng ký phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội mở lớp bồi dưỡng kiến thức về nguyên tắc suy đoán vô tội và bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tại địa phương. Ngoài ra, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã cử 01 đồng chí đi học Hoàn chỉnh chương trình Cao cấp lý luận chính trị, 19 đồng chí đi học lớp bồi dưỡng kỹ năng theo triệu tập của VKSND tối cao. Nhìn chung, cán bộ công chức được chọn cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tăng về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả làm việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị và yêu cầu về cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh việc cử cán bộ đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo của Ngành, lãnh đạo VKSND tỉnh Thái Nguyên xác định việc đào tạo tại chỗ cũng hết sức quan trọng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ chung của đơn vị. Có thể kể đến chuyên đề của các phòng nghiệp vụ, đây cũng là một trong những hình thức đào tạo tại chỗ có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công chức như: Năm 2022, VKSND tỉnh Thái Nguyên xây dựng Kế hoạch thực hiện các chuyên đề phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh Thái Nguyên xây dựng và tổ chức 01 Hội nghị Chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và các giải pháp hạn chế, phòng ngừa tội phạm “Giết người” trên địa bàn tỉnh”; phối hợp với VKSND cấp huyện xây dựng và tổ chức 03 Hội nghị Chuyên đề “Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết vụ án hình sự có đồng phạm trong các tội xâm phạm sức khỏe của con người thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện”, “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, “Tăng cường công tác nắm tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra góp phần đấu tranh phòng chống vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát Thái Nguyên”; xây dựng, thực hiện các báo cáo Chuyên đề nghiệp vụ theo Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 11/01/2022 về công tác của ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Hiện đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Tăng cường công tác nắm tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra góp phần đấu tranh phòng chống vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát Thái Nguyên”. Mục đích của các chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, giúp cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về những quy định mới của Luật; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật vào thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm hay để nâng cao chất lượng công tác.

Ngoài ra,  nhằm tạo tinh thần sôi nổi nghiên cứu, học tập đến toàn thể công chức trong ngành Kiểm sát Thái Nguyên, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 267/KH-VKS ngày 09/3/2022 về việc tổ chức Cuộc thi viết luận tội năm 2022. Cuộc thi đã thu hút 97 công chức ở Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tham gia.

Đến nay, đội ngũ công chức của VKSND tỉnh cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo chức danh vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, quản lý. Hiện ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên có 42 Thạc sỹ Luật (chiếm 21,2%), 01 công chức có trình độ thạc sĩ chuyên ngành khác (chiếm 0,5%), 140 công chức có trình độ Cử nhân Luật (chiếm 70,73%), 07 công chức chuyên ngành khác có trình độ cử nhân (chiếm 3,53%), 02 công chức chuyên ngành khác có trình độ cao đẳng (chiếm 1,01%), 06 công chức chuyên ngành khác có trình độ trung cấp(chiếm 3,03%). Công chức có trình độ Cử nhân và Cao cấp lý luận chính trị 33 đồng chí (chiếm 16,67%), trung cấp lý luận chính trị 89 đồng chí (chiếm 44,94%).

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa diễn ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Với các biện pháp, giải pháp trên, đội ngũ công chức ngành kiểm sát cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hằng năm, ngành kiểm sát hai cấp đã giải quyết hàng nghìn vụ án hình sự, kiểm sát giải quyết hàng nghìn vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, việc thi hành án hình sự, dân sự… không để xảy ra oan, sai. Các kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận và tiếp thu đạt tỷ lệ cao,…

Có thể thấy, việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức ngành Kiểm sát tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đã giúp chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên có nhiều thay đổi, nhận thức ngày càng nâng cao, trung thành với sự nghiệp của Đảng, có trách nhiệm, bản lĩnh bảo vệ công lý và pháp luật, nêu cao đạo đức nghề nghiệp có bản lĩnh vượt khó, đấu tranh với cái sai, với các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.

Phùng Đức Tiến, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên