Đây là một trong những nội dung Nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021 vừa được ban hành hôm nay (14/10).

leftcenterrightdel
Sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh:VGP 

Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, đại dịch COVID-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình thực tiễn, quyết liệt hành động, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Coi kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; từng bước mở cửa nền kinh tế phù hợp với diễn biến dịch bệnh, độ bao phủ vắc xin; phấn đấu thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm an toàn từ tháng 10 năm 2021.

Theo đó, các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao...; từng bước mở cửa các nhà máy, phân xưởng sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc ngay tại cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, sử dụng nhiều lao động.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan thanh tra, các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
Nghị quyết của Chính phủ  nêu rõ, quản lý chặt chẽ việc mua sắm thiết bị y tế, vắc xin, không để xảy ra lãng phí, tham nhũng. Ảnh minh họa  

Quản lý chặt chẽ việc mua sắm, viện trợ thiết bị, vật tư, sinh phẩm, vắc xin có hiệu quả và đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng và kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra không để lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với thuốc, vật tư y tế, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch; trước mắt khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề giá xét nghiệm, kit xét nghiệm COVID-19 được dư luận quan tâm thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục thông tin kịp thời đến dư luận, bảo đảm công khai, minh bạch.

Cũng theo Nghị quyết, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan thành lập đoàn công tác đến làm việc, kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo các Kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư ở địa phương mà việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Đối với Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục sản xuất, phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số; phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện.

Phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, quan tâm hơn đến công tác tuyển sinh hệ cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khó khăn có đủ điều kiện học tập trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tham gia phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh; phòng, chống các loại tội phạm mới, nhất là tội phạm xuyên quốc gia.

Tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông gắn với yêu cầu về phòng, chống dịch, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch, cản trở lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin - Truyền thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi xuyên tạc, đưa tin giả, tin xấu, tin không có cơ sở, chống phá công tác phòng, chống dịch, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tâm lý của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Nguyễn Anh