leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 7/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Giải pháp nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào dự án PPP?

Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP (dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư), đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Theo đại biểu, nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho biết, các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Theo đại biểu, các vấn đề này đã được quy định tại luật PPP, khi và chỉ khi nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.

Trả lời ý kiến tranh luận này của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, sau khi ban hành Luật PPP, chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án PPP. Theo Bộ trưởng, hiện nay cả nước, về đầu phương tiện có khoảng 5,2 triệu ô tô thì riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm xấp xỉ 50%. Do lượng phương tiện phân bổ không đồng đều nên việc thu hút vốn vào dự án PPP gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều dự án từ những năm 2016 đến nay đang có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Về giải pháp, Bộ GTVT đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội. Một trong những yếu tố thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án PPP là tăng tỷ lệ vốn nhà nước, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định. Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án. Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, cần đầy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí…

Cát biển có thay thế được cát sông để làm vật liệu đắp nền?

Phát biểu chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong phần tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Bộ GTVT đang triển khai nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình triển khai đến nay? Việc sử dụng cát biển để thay thế cát sông trong giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn nguyên liệu cát sông, cung cấp cho các dự án đường cao tốc Bắc Nam có khả thi cao hay không?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án công trình giao thông, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.

Sau thời điểm đó, Bộ GTVT đã thành lập tổ với các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, triển khai quyết liệt việc nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, đặc biệt thực hiện thí điểm trên các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 7/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc và qua nhiều cuộc họp đánh giá, chất lượng vật liệu cát biển hiện nay đang thí điểm là đã đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như sử dụng cát sông, hiện nay chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi ở khu vực xung quanh. 

Theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng khác nhau như Hải Phòng, Vũng Tàu. Tháng 12 tới, Hội đồng đánh giá cấp bộ sẽ họp và có đánh giá tổng kết dự án, qua đó Bộ sẽ triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp…

Vũ Cảnh