Trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

Năm 1954, thực dân Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) rút khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực hiện chính sách “lấp chỗ trống”, đế quốc Mỹ nhảy vào tiến hành chiến tranh xâm lược, âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới. Chúng dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm; thực hiện chính sách độc tài và tàn bạo“giết sạch, đốt sạch, phá sạch” đối với nhân dân miền Nam. 

Với cuồng vọng nghiền nát lực lượng cách mạng ở miền Nam, Mỹ lúc cao nhất đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 500 ngàn quân Mỹ và hơn 72 ngàn quân chư hầu làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân ngụy. Riêng về quân đội Mỹ, chúng đã huy động gồm bộ binh, lính thủy đánh bộ, lực lượng không quân chiến thuật, lực lượng không quân chiến lược. Đồng thời, chúng còn lợi dụng những phát minh khoa học, kỹ thuật mới nhất để gây vô vàn tội ác hủy diệt đối với nhân dân ta.

Chỉ trong 4 năm (1954-1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên; gần 90 vạn đồng bào yêu nước bị bắt, tù đày; gần 20 vạn người bị tra tấn, giết hại... Riêng trong năm 1959, toàn miền Nam có 400.000 người bị tù đày và 68.000 người bị giết hại. Mặt khác, với dã tâm muốn biến Việt Nam thành chiến trường đẫm máu, Mỹ đã dội hơn 7,8 triệu tấn bom đạn xuống Việt Nam, so với chiến tranh thế giới thứ 2 là gấp 3 lần số bom sử dụng; rải khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học điôxin xuống miền Nam Việt Nam, đến nay vẫn còn hàng vạn người dân Việt bị di chứng của chất độc điôxin, phải gánh chịu hậu quả nặng nề đầy thương tâm.

leftcenterrightdel
 Ảnh tư liệu.

Sau Hiệp định Pa-ri (ngày 27/1/1973), đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với hy vọng dùng 71 vạn quân chính quy và 1,5 triệu bảo an, dân vệ ngụy đã được “hiện đại hóa” và “tinh nhuệ hóa”, trắng trợn phá hoại Hiệp định Pa-ri, đẩy mạnh lấn chiếm, bình định, duy trì chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương: Kiên quyết, chủ động tiến công, nắm bắt và tạo thời cơ, tiến tới giải phóng  miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 1974, cục diện chiến trường có chuyển biến nhanh chóng, ngày càng có lợi cho ta, thời cơ giải phóng miền Nam đã đến. Cả dân tộc “ra quân” với tốc độ thần kỳ "một ngày bằng 20 năm". Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1975, hậu phương miền Bắc đã dốc sức đưa vào chiến trường miền Nam gần 12 vạn cán bộ, chiến sĩ; chi viện 230 nghìn tấn vật chất các loại, bảo đảm 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải...

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mở đầu từ ngày 4/3/1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên với trận đột phá đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Với 20 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi vào ngày 24/3/1975. Quân, dân miền Nam đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 Việt Nam cộng hòa, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng rút chạy trên đường số 7, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu II, giải phóng Tây Nguyên. Tiếp đến, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Vang mãi khúc khải hoàn ca

Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được giải phóng, non sông đất nước nối liền một dải. 

Cả Sài Gòn rực rỡ, được hưởng niềm vui bất tận trong thời khắc tuyệt vời của lịch sử ngày 30/4/1975. Cả dân tộc vang mãi khúc ca khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”.

Xuân 1975 là mùa Xuân vui nhất, đẹp nhất, vì lần đầu tiên sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm Pháp thuộc, hàng chục năm kháng chiến chống Mỹ, dải đất hình chữ S từ Móng Cái đến mũi Cà Mau đã sạch bóng quân thù. 

Thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975 đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, nhưng rất anh dũng, kiên cường của quân dân ta. Đây là thắng lợi mang ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa thời đại sâu sắc, là trang sử hào hùng, thiên anh hùng ca bất hủ, tuyệt đẹp của dân tộc Việt Nam trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước. 

leftcenterrightdel
 Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng chiếm Phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Với sự kiện “chấn động địa cầu” 30/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa Xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, như nhận định của Đảng ta là một sự kiện quan trọng có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Cùng với những mốc son lịch sử, Chiến thắng 30/4/1975 là nguồn cổ vũ cả dân tộc và nhân dân ta “nối tiếp mạch nguồn chiến thắng” để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những thành tựu quan trọng, khởi sắc, vị thế, uy tín ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít những thách thức, khó khăn. Đặc biệt, tình hình an ninh, chính trị trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp, những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo; các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình… Tuy nhiên, với năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tầm nhìn chiến lược, chúng ta tin tưởng Đảng sẽ lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam đạp bằng mọi chông gai, viết tiếp khúc khải hoàn ca bất tận cho dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thanh Hoàng