leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Nước đã có dấu hiệu rút

Tại buổi làm việc sáng nay, báo cáo về tình hình ngập lụt do mưa lũ tại khu vực huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến thời điểm này, nước đã có dấu hiệu rút. Ông Hùng khẳng định, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình tại đây. Thành phố Hà Nội đã tổ chức gia cường và triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của bà con nhân dân trong khu vực.

Cũng theo ông Hùng, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt đã tác động lớn đến đời sống nhân dân tại huyện Chương Mỹ. Trước tình hình này, thành phố đã chủ động chăm lo, đảm bảo đời sống người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội cho người dân khu vực chịu tác động của mưa lũ.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Hà Nội cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng bị ngập, lụt. Đặc biệt, thành phố cần chú ý làm tốt hơn nữa việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bị úng ngập để đảm bảo sức khỏe người dân.

Vẫn còn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan

leftcenterrightdel
Chính phủ họp thường kỳ tháng 7/2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 
Báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, hiện còn nợ 7 Nghị định, 1 Quyết định và 9 thông tư.

Trong thời gian 7 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 13.296 nhiệm vụ. Trong số này, có 5.770 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.350 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 176 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9%, tăng 0,3% so với tháng trước).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng phản ánh ý kiến của một số hiệp hội, doanh nghiệp về việc thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vẫn còn phiền hà, tốn kém thời gian và phát sinh chi phí. Các phương án cắt giảm được đưa ra nhưng chưa được áp dụng trên thực tế.

Đáng chú ý, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa diễn ra ở nhiều nơi. Tổ công tác đề nghị các bộ, ngành cải cách mạnh mẽ hơn nữa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; cùng với đó, việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

  Quang Vũ/TTXVN