Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo các nội dung tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018.

Theo đó, về tình hình kinh tế, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, chỉ số quản trị nhà mua hàng tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Trong khi bình quân của ASEAN chỉ 50,2 điểm.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ đến báo chi 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2017. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành và tăng với mức cao nhất 23,8% (cùng kỳ 2017 tăng 4,7%). 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, trong tháng đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, thì tăng 8,38% (cùng kỳ tăng 6,7%). Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt (cùng kỳ trên 1 triệu), tăng 42% (cùng kỳ tăng 23,6%)...

Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15,4 nghìn doanh nghiệp (cùng kỳ có 14,6 nghìn DN). Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng 13,9%. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%...

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018 và không lơ là, mất cảnh giác với tình hình chung của thế giới và trong nước.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc, chủ động Nghị quyết 01 của Chính phủ, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện cần tích cực, trách nhiệm hơn nữa, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng”.

Thủ tướng yêu cầu tất cả Bộ ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết  số 01/CP.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục coi xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo để tạo đột phá cho huy động nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, động lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành, các lĩnh vực ngay từ đầu năm...

Tại phiên họp này, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc trong dịp Tết, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... để người dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm, với tinh thần “không ai bị đói và không được ăn Tết”.

Đặc biệt,Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...

Bên cạnh đó, trong dịp Tết cần đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; an ninh biên giới; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm, nạn đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, đánh nhau và tệ nạn xã hội…. Đặc biệt, phải chủ động làm tốt công tác an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, ùn tắc giao thông; bảo đảm phương tiện đi lại thuận tiện để mọi người dân về nhà ăn Tết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngay tại phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 15 thay thế NĐ 38 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Nghị định có hiệu lực ngay khi ký. “Tinh thần là giao phân cấp mạnh cho địa phương tự công bố, xử lý sự chồng chéo của các bộ, ngành trong quản lý thực phẩm… Điều này thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh”- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay./.

Thanh Dịu

* Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên, trong đó PV báo Bảo vệ pháp luật nêu: báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đó là ở Đại học Ngoại thương và vụ tham nhũng đất đai ở Đông Anh- Hà Nội, mỗi vụ có 10 bài báo đã đăng. Thủ tướng đã uỷ quyền cho Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình ký văn bản 4 lần chỉ đạo TP. Hà Nội xử lý báo cáo liên quan đến vụ tham nhũng đất đai ở Đông Anh và 2 lần giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra vụ việc liên quan đến tham nhũng ở Đại học Ngoại thương. Sau khi kiểm tra phải báo cáo kết quả với Thủ tướng, nhưng đến nay chưa có kết quả. Vậy theo Bộ trưởng, tới đây sẽ tham mưu thế nào tới Thủ tướng, để xử lý dứt điểm vụ việc, quy trách nhiệm người đứng đầu, không để xảy ra bao che xử lý sai phạm theo đúng tinh thần Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…?

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời: Vụ tham nhũng ở Đông Anh, Thủ tướng đã giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Đến nay Công an TP. Hà Nội đã tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, đang thực hiện công tác điều tra, kết quả thế nào thì sau này sẽ thông báo với các cơ quan báo chí.

Với vụ Đại học Ngoại thương, vụ việc này kéo dài 2 năm rồi. Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc thanh tra theo đơn tố cáo, liên quan đến công tác quản lý tài chính của Đại học Ngoại thương.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng đã chủ trì các cơ quan liên quan, lãnh đạo TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng đã kết luận giao cho Thanh tra Chính phủ  rà soát tổng thể lại các nội dung tố cáo. Trong đó, xác định những nội dung nào có kết luận đúng theo quy định pháp luật thì thông báo cho người tố cáo biết, nội dung nào giải quyết chưa đúng hoặc nội dung nào người tố cáo nêu lên chưa giải quyết thì yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì xác minh giải quyết, kết luận và báo cáo Thủ tướng trước 1/5/2018. Như vậy, nội dung liên quan tố cáo tại Đại học Ngoại thương đã được Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo rất rõ./.

Thu Hương