Kiến nghị cơ chế đặc thù

Sáng 13/5, tại TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với TP HCM về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết  kiến nghị của thành phố.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với TP HCM. (Ảnh: HMC)

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Thành cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo TP HCM tiếp và làm việc với đoàn công tác Chính phủ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong 4 tháng đầu năm 2021. Theo đó, TP HCM đã xây dựng kế hoạch triển khai chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI; kiểm soát được dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2021 đạt 329.600 tỉ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%).

Với kết quả đạt được, TP HCM đề xuất, kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP HCM và các Bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho thành phố trong quý II năm 2021.

Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, TP HCM kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025 là 23%; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong 4 tháng đầu năm 2021. (Ảnh: HMC)

TP HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có quy định việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn giữa các doanh nghiệp có cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu và chuyển giao công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Đối với vốn ngân sách thành phố qua rà soát, tự cân đối, có thể bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 khoảng 218.576 tỉ đồng cao hơn 90.892 tỉ đồng so với kế hoạch dự kiến của Trung ương giao. Từ cơ sở trên, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố là 261.967 tỉ đồng.

Phân quyền, phân cấp cho TP HCM

Bên cạnh đó, TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, trình Chính phủ trong quý II năm 2021. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP; cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Chính phủ và TP HCM. (Ảnh: HMC)

Đối với dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.

Về quản lý đô thị, TP HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TP HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung tại một số khu vực như xung quanh nhà ga Metro theo mô hình TOD, một số khu vực dự án như: khu đất 384,2ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, TP Thủ Đức và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp thiết, sau đó cập nhật vào quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đối với vướng mắc thuộc thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Chính phủ cùng TP HCM tháo gỡ. Thủ tướng cho hay việc nào mà TP HCM làm tốt, làm tốt hơn Chính phủ, tốt hơn các bộ, ngành thì sẵn sàng giao cho TP HCM. "Cái gì chúng ta biết mới quản, không biết dứt khoát giao cho người biết quản. Phân cấp, phân quyền là phải như thế. Chứ như hiện nay nhiều việc chẳng qua đưa lên các bộ là chỉ hợp thức hóa lại thôi" Thủ tướng phát biểu.

Về kiến nghị Trung ương chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 là 23%, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP HCM. Sự ủng hộ tối đa này vừa là khuyến khích vừa là trách nhiệm. Khi được Chính phủ ủng hộ cái này thì TP HCM cố gắng tập trung cho 3 đột phá chiến lược".

Thủ tướng cũng khẳng định “ủng hộ tối đa” kiến nghị của Thành phố về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của Thành phố. Chính phủ phối hợp với TPHCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với nguồn ngân sách tăng thêm, Thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban, ngành và TP HCM phải phối hợp trên dưới nhịp ngành, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. TP HCM phải phát triển xứng tầm là một trung tâm của vùng, một trung tâm phát triển kinh tế của cả nước; xứng tầm và xứng tầm hơn nữa với mong đợi và kỳ vọng của nhân dân cả nước./.

Trân Định - Nguyễn Lánh