|
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tham gia Đoàn có nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sáng 14/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang; nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đa số cán bộ, đảng viên đã có chuyển biến tốt về tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, thực hiện tốt hơn chức trách nhiệm vụ được giao.
Phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, người đứng đầu có bước đổi mới. Toàn Đảng bộ đã phát triển được 11.507 đảng viên, nâng toàn Đảng bộ có 59.147 đảng viên. Việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt một số kết quả tích cực.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2018 đạt hơn 62.300 tỷ đồng, gấp 1,23 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 7,13%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.664 USD năm 2015 lên 2.094 USD năm 2018.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm từ 40,39% xuống còn 35,71%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,11% lên 19,26%; dịch vụ tăng từ 38.81% lên 41,72%. Xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; 100% số xã trong đất liền có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Đến nay, Kiên Giang hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác tăng về số lượng, đa dạng loại hình và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, toàn tỉnh hiện có 8.770 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 1,23 lần so với năm 2015, với số vốn hơn 91.700 tỷ đồng.
Kinh tế biển chiếm 73,82% GDP của tỉnh. Các ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 11%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 17,61%/năm. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút hơn 19 triệu lượt khách trong nước và hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 21,8%/năm, doanh thu đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 23,9%/năm…
Kiên Giang kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo sớm cho chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và có nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc; xem xét chấp thuận chủ trương thành lập huyện đảo Thổ Châu theo Tờ trình số 49-TTr/TU ngày 5.4.2018 của Tỉnh ủy Kiên Giang; đề nghị Trung ương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án đường hành lang ven biển giai đoạn 2 (đoạn Rạch Giá - Hà Tiên) và Quốc lộ 61 (đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt) để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh kết nối với hạ tầng giao thông quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long…
|
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trở lại thăm Kiên Giang đúng dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer và cả nước chuẩn bị kỷ niệm 44 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; được chứng kiến những đổi thay, phát triển của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cùng trao đổi, làm rõ những thành tựu nổi bật Kiên Giang đã đạt được; phân tích tiềm năng, thế mạnh và những định hướng phát triển nhằm đưa Kiên Giang tiếp tục phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có nhiều cố gắng, đoàn kết phấn đấu và đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường, công tác đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thường xuyên và đạt kết quả tích cực, Kiên Giang đã chú trọng việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, xây dựng quan hệ gần gũi, gắn bó với nhân dân, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đảng bộ đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chú trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ mặt thành thị, nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Và quan trọng là triển vọng đi lên của tỉnh rất sáng sủa, Kiên Giang còn nhiều tiềm năng phát triển.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang về những thành tích, kết quả đã đạt được thời gian qua.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở, không chỉ riêng với Kiên Giang mà với cả nước, là tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, vì sắp tới yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, trăn trở.
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Kiên Giang tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống anh hùng, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ như phương hướng đã đề ra, phát huy toàn diện, mạnh mẽ, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là tiềm năng về lúa, cá, du lịch…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải chú trọng phát triển toàn diện, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, giữ gìn đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa tốt đẹp dân tộc; giữ vững quốc phòng an ninh, độc lập chủ quyền đất nước, quan hệ tốt với các địa phương của nước bạn có chung đường biên giới. Muốn thế phải có tư duy chiến lược, quy hoạch tổng thể và quy hoạch trên từng lĩnh vực cụ thể, trên cơ sở đó có chính sách thu hút đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ…
Về các kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận và nêu rõ, cần có kế hoạch tổng thể, cân đối nguồn lực, tính toán từng bước đi cụ thể, chắn chắn.
Trước đó, chiều 13/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang như: Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành; Công ty Trung Sơn (thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn), tại xã Trung Hóa, huyện Kiên Lương.
Theo báo cáo của ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang được đầu tư xây dựng từ tháng 2/2014, với công suất thiết kế 75.000 m3 ván gỗ nhân tạo MDF/năm, vốn đầu tư 1.260 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động theo công nghệ của CHLB Đức.
Chính thức đi vào hoạt động năm 2016, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang hoạt động trên 2 lĩnh vực chính là sản xuất ván gỗ nhân tạo MDF các loại và trồng rừng lấy gỗ nguyên liệu. Công ty tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.300.000 đồng/người/tháng.
Sản lượng của công ty đạt khoảng 90.000 m3/năm, thương hiệu ván MDF Kiên Giang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng tin dùng để sản xuất hàng nội, ngoại thất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và các tỉnh lân cận, đến nay công ty đã trồng mới 2.400 ha, quản lý bảo vệ 1.500 ha rừng nguyên liệu, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, cải tạo môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
|
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty Cổ phần Trung Sơn ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tiếp đó, sau khi thăm thực địa khu nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn, thăm nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty Trung Sơn tại xã Trung Hóa, huyện Kiên Lượng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với ban lãnh đạo, nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty.
Được tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tiếp cận đất đai, tín dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời trên cơ sở tiềm năng, điều kiện tự nhiên thuận lợi của tỉnh, Công ty Trung Sơn tại Kiên Giang được thành lập nhằm triển khai tất cả khâu từ sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến… với 2 khu sản xuất tôm giống chất lượng cao, công suất đạt 1,5 tỷ con tôm giống; khu nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng 1000 ha; 2 nhà máy chế thủy sản...
Nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp, chương trình hành động, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, công ty đã đạt nhiều kết quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đã giải quyết việc làm cho 1.500 lao động, trong đó hơn 70% là lao động tại chỗ, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, công ty đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng.
Tại các cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và trao đổi với địa phương, cơ sở, đại diện các bộ, ngành Trung ương về những thuận lợi, khó khăn của từng mô hình sản xuất kinh doanh, làm sao để khai thác, phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, tạo nhiều việc làm cho lao động tại chỗ, người dân, doanh nghiệp, địa phương đều có lợi, cùng phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, làm sao tính toán toàn diện các lợi ích cả về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, nâng cao thu nhập cho người dân...
Nhấn mạnh Kiên Giang còn nhiều tiềm năng phát triển, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho địa phương, đất nước. Ngược lại, Kiên Giang, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp, địa phương tiếp tục phát triển.