Quốc hội dành cả ngày hôm nay 27/5 họp toàn thể trực tuyến để thảo luận báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em". Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Các đại biểu phát biểu đầu tiên đã nghẹn ngào khi đề cập đến vấn đề này.

Vẫn còn thiếu vắng cơ chế bảo vệ trẻ hiệu quả

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, qua đọc báo cáo và xem phóng sự, có nhiều điều nóng và rất buồn, đòi hỏi sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và cả nước đối với phòng chống xâm hại trẻ em.
leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

“Qua tiếp xúc cử tri, khi nhắc đến xâm hại trẻ em ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em sớm được phát hiện, truy tố, xử lý triệt để, nghiêm khắc các đối tượng. Nhiều vụ việc đối tượng xâm hại lại là người thân quen, thậm chí bố mẹ ruột, với thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội” – đại biểu Phương nêu.

Ông cũng dẫn nhiều trường hợp ông nội, cha ruột xâm hại rồi dọa giết nếu nạn nhân nói sự thật. Đầu năm đến nay, dư luận xã hội đã hết sức bức xúc trước sự việc cháu bé 4 tháng tuổi bị cha mẹ bạo hành đến mức gãy 2 chân, xuất huyết não... Đáng buồn thay, thỉnh thoảng xã hội lại phải chứng kiến những vụ việc bảo mẫu, thầy cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em với hành vi tàn khốc, thời gian kéo dài và dù trẻ có cố gắng chống lại, tố cáo, cầu cứu thì đâu đó vẫn thiếu vắng cơ chế bảo vệ hiệu quả.

“Những tổn hại về thể chất có thể đong đếm, nhưng những tổn hại về tinh thần mãi mãi còn trong ký ức lâu dài của các em, có thể khiến các em suy sụp” - ĐBQH bày tỏ ghi nhận những nỗ lực phối hợp của lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình với Viện Kiểm sát và TAND tỉnh trong việc phát hiện, truy tố, xét xử, sớm ngăn chặn, hạn chế tối đa số vụ xâm hại trẻ em.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đòi hỏi có giải pháp đột phá, đột biến, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong việc tạo ra hành lang về mặt pháp lý, nhận thức và hành động. Trong đó nhấn mạnh việc tăng hình phạt bổ sung liên quan đến tội danh xâm hại trẻ em, mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức phạt chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại... "Hình thức thiến hóa học ở các nước cũng thực hiện, nếu đưa hình thức này vào thì ít nhất sẽ giảm được năng lực xâm hại", đại biểu nhấn mạnh.

"Băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực"

"6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình cứ một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại; xâm hại tình dục chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em", đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phân tích số liệu.

leftcenterrightdel
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam). 

"Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP.HCM dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em)".

Đáng nói, "những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội... lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt", bà Hiền nói.

Đại biểu Hà Nam cũng nhận định dù các địa phương đang phải ban hành văn bản để triển khai 11 chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng sự quan tâm, đầu tư lại chưa đúng tầm.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) phản ánh việc nhiều bậc cha mẹ thiếu chăm sóc, quan tâm, chia sẻ về sức khỏe tình dục với trẻ em. Khi con em bị xâm hại lại ngại khai báo kịp thời với cơ quan công an dẫn đến khó điều tra, xử lý vụ việc do để thời gian lâu nên khó giám định. Một số trường hợp gia đình tự thỏa thuận với đối tượng xâm hại trẻ em…

Đối với tội phạm mạng, trẻ ngồi ở nhà cũng có nguy cơ bị xâm hại

Đề cập đến tội phạm mạng, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) khẳng định, Internet, mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội, mở mang kiến thức, giải trí, nhất là với những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, song những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đang đặt ra nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn).

"Với 64 triệu người dùng internet, thuộc top cao nhất thế giới và chiếm  66% dân số thì 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15-24 tuổi. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục", nữ đại biểu viện dẫn.

Theo bà, kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần số trẻ em nam.

Qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với bên ngoài, hình ảnh xâm hại bị đưa lên mạng có thể theo các em đến suốt cuộc đời. Đối với tội phạm mạng, trẻ ngồi ở nhà cũng có nguy cơ bị xâm hại...

Từ đó đại biểu kiến nghị các bậc phụ huynh dành sự quan tâm thỏa đáng, hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bộ môn giảng dạy về an toàn trên môi trường học vào giờ học tin học, kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm này để người dân đề cao cảnh giác; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện từ sớm...

Tiến Thành (t/h)