Đồng chủ trì họp báo có: Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn; Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Tại Họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chính thức công bố trang thông tin điện tử của Diễn đàn tại địa chỉ www:diendankinhte.quochoi.vn.

Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn

Giới thiệu về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, thời gian vừa qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo.

Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đến tất cả các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội…

Để thực hiện thành công các Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.

Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Về phía Quốc hội, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, Diễn đàn được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, phát huy tối đa, tập hợp được đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo Nhân dân, cử tri; thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế; hình thành các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xây dựng báo cáo ý kiến đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định.

Sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam

Về một số nội dung trọng tâm của Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả. Làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Diễn đàn cũng sẽ đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo. Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.

Diễn đàn được chia thành 2 Phiên, Phiên toàn thể buổi sáng, Tọa đàm cấp cao với chủ đề “một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề, chuyên đề 1 về “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Dù thực hiện trong thời gian ngắn, các nội dung của Diễn đàn sẽ bao quát đầy đủ các ngành, lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường. Ban Tổ chức đặt hàng các tổ chức quốc tế, các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia cả trong nước và quốc tế viết bài tham luận cho Diễn đàn; đồng thời lựa chọn những nội dung trọng tâm trình bày tại các phiên…

Cảnh Vũ