|
|
Thủ tướng tặng Bằng khen cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. |
Hơn 5 tháng qua, Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4 nguy hiểm với biến thể Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ vi rút trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ. Từ ngày 27/4/2021 đến ngày 17/10/2021, cả nước đã ghi nhận 859.372 ca mắc, trong đó, hơn 789.027 người đã khỏi bệnh, 20.915 bệnh nhân tử vong. Hơn 20 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ trong thời gian dài, trên phạm vi rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi gặp mặt biểu dương tôn vinh các thầy thuốc tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trải qua 4 đợt dịch, ngành Y tế đã hết sức khẩn trương, tham mưu kịp thời nhiều giải pháp, huy động và chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 này. Ngành Y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khoẻ của người dân. Người thầy thuốc đã khẳng định và phát huy được các đức tính “Nhân, Trí, Dũng” trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19”.
Theo số liệu thống kê, trong đợt dịch thứ 4 cả nước đã huy động gần 30 nghìn lượt thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến Trung ương và địa phương cùng với hàng trăm nghìn lực lượng y tế tại các tỉnh, thành có dịch bùng phát và hàng triệu chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên tại các điểm nóng dịch COVID-19… để kịp thời cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai những biện pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình dịch, trong đó có những biện pháp chưa từng có tiền lệ.
Đặc biệt, trong thời gian ngắn kỷ lục, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 14 trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch; phối hợp với lực lượng quân y triển khai hơn 500 trạm y tế lưu động để kịp thời chăm sóc và cấp cứu các ca nhiễm trong cộng đồng, cung cấp các gói thuốc và dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như các gói an sinh cho người dân trong điều kiện tăng cường giãn cách xã hội.
“Với ngành Y tế, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. Cùng một lúc, chúng ta phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đảm bảo hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vắc xin cho người dân. Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân”- Bộ trưởng Bộ Y tế nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Một số y, bác sĩ tiêu biểu, đại diện cho lực lượng y tế chống dịch đã phát biểu, chia sẻ những khó khăn, gian khổ mà đội ngũ y tế phải đối mặt trong đợt dịch thứ 4, những động lực đã tiếp thêm cho họ sức mạnh để họ vượt qua những thử thách, trụ vững tại tâm dịch, thực hiện tốt trách nhiệm cao cả chữa bệnh cứu người.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ hiện nay là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường theo phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần quyết tâm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, vững tin, đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch, để cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sĩ chiến thắng dịch bệnh.
Các bệnh viện tuyến trung ương đã tích cực triển khai tập huấn, nâng cao kỹ năng hồi sức cho các bệnh viện tuyến quận, huyện để lực lượng y tế các địa phương có dịch tiếp quản, vận hành các trung tâm hồi sức tích cực. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục duy trì hoạt động của các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh để trợ giúp công tác điều trị đến cuối năm 2021, sẵn sàng đối phó với những diễn biến mới của dịch COVID-19.