Sáng 1/7, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã khai mạc với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.
|
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định, thực hiện quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy doanh nghiệp và nhân dân là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.318 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 79.576 tỷ đồng; 130 dự án FDI, với vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD. Nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa cao đã được khởi công thực hiện, bước đầu có kết quả khá khả thi, được cán bộ và nhân dân đồng thuận, phấn khởi, như: Dự án Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc; Dự án Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Dự án Nâng cấp, sửa chữa Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao tỉnh Thái Nguyên; Dự án An Lạc Viên; Dự án Khu nhà ở kết hợp dịch vụ, thương mại tại thành phố Thái Nguyên; Dự án xây dựng Trung tâm hành chính mới huyện Đồng Hỷ...
Với phương châm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tỉnh Thái Nguyên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các tập đoàn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Thái Nguyên đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn khoảng 46.700 tỷ đồng.
|
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên |
Thái Nguyên có thể trở thành một cực tăng trưởng của miền Bắc và cả nước
Chúc mừng tỉnh Thái Nguyên về số lượng, quy mô các dự án vừa được ký kết, Thủ tướng cho rằng, trong quá khứ, Thái Nguyên từng là biểu tượng của công nghiệp nặng Việt Nam, tiếp nối truyền thống đó, Thái Nguyên đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển đổi, khai thác hết các tiềm năng và cơ hội để phát triển vượt bậc cả về tốc độ, quy mô và chất lượng. Chưa bao giờ Thái Nguyên đứng trước cơ hội chuyển mình về mô hình tăng trưởng lớn như lúc này.
Thái Nguyên có thể trở thành một cực tăng trưởng của miền Bắc và cả nước. Thái Nguyên có ưu thế về vị trí địa lý, nằm ở vị trí chiến lược trong Vùng phát triển Thủ đô, hạ tầng kết nối thuận lợi. Thái Nguyên có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản với nhiều chủng loại và trữ lượng lớn như than, ti tan, thiếc, chì, vàng, đồng, vonfram... Thái Nguyên còn có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
Đặc biệt, Thái Nguyên đang đi đầu trong việc hình thành cụm công nghiệp điện tử vươn ra thị trường toàn cầu mà Samsung đang đóng vai trò chủ đạo, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 15 lần trong vòng 3 năm; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ mức 245 triệu USD vào năm 2013 tăng lên 23,5 tỷ USD năm 2017, tạo ra cơ hội và lực hút lớn đối với các doanh nghiệp nội địa.
Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, tạo lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp với những loại sản phẩm đặc hữu, như “Chè Thái” là thương hiệu nổi tiếng bao đời nay đúng như câu ca dao “Thái Nguyên đệ nhất danh trà/ Nước xanh như cốm đậm đà tình quê”. Tuy vậy, theo Thủ tướng, “đệ nhất danh trà” nói trên chưa xác lập được thương hiệu, hình ảnh, chỉ dẫn địa lý và vị thế tương xứng trên thị trường quốc tế. “Chúng ta vẫn đang đợi nhà đầu tư đưa công nghệ, làm thị trường và thương hiệu để đưa chè Thái Nguyên vươn xa, trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương”, Thủ tướng gợi mở.
Về du lịch, Thái Nguyên được mệnh danh là mảnh đất của lịch sử và danh thắng; hòa quyện giữa cảnh đẹp tự nhiên và tài nguyên nhân văn với những địa danh rất nổi tiếng. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: Những tiềm năng và dự báo này cũng chỉ là giấc mơ nếu chúng ta không có một tầm nhìn đúng và các giải pháp hiệu quả.
Thủ tướng đưa ra một tầm nhìn phát triển cho Thái Nguyên với các định hướng: Trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, và sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và đất nước trong mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh. Tận dụng, phát huy vai trò động lực, vai trò đầu tàu của Samsung, tạo lan tỏa tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào mạng sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước ...
Về các giải pháp, Thủ tướng gợi ý tỉnh hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, bền vững, có độ mở cao, kết nối với các tỉnh và quốc tế; chú ý “áp dụng công nghệ thông tin và và truyền thông, đặt chất lượng cuộc sống của người dân làm trọng tâm và tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người”. Thủ tướng cho rằng, cần phát huy vai trò đòn bẩy của Samsung đối với kinh tế - xã hội địa phương, nhất là giúp phát triển cụm ngành điện tử cho Thái Nguyên một cách bền vững, gia tăng giá trị cao, gắn liền với sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp địa phương.
Về du lịch, Thủ tướng gợi ý Thái Nguyên đẩy mạnh liên kết phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc với phát triển sườn Đông dãy núi Tam Đảo và các di tích văn hoá lịch sử như Di tích lịch sử ATK Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn)... tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, tỉnh Thái Nguyên cần gia cường nền tảng xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, để mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, được đón nhận cơ hội từ quá trình phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không có một kế hoạch chiến lược hay nào thành công được nếu thiếu đi khát vọng và nỗ lực hành động. Theo đó, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ kiểm tra giám sát, hỗ trợ Thái Nguyên thông qua quyết tâm đổi mới và cải cách nền kinh tế theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bình đẳng, an toàn và minh bạch, giảm chi phí thời gian và tài chính, bảo vệ quyền lợi chính đáng, họp pháp của các nhà đầu tư.
PV (t/h)