leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 21/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Nghị quyết được xây dựng nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng về “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”, tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đại biểu bày tỏ đồng tình với phạm vi điều chỉnh là nhà ở thương mại trên toàn quốc để đảm bảo tính công bằng cho tất cả các tỉnh, thành phố có nhu cầu phát triển nhà ở thương mại.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Khoản 4, Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định, tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại nghị quyết này và quy định của pháp luật Đất đai. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy rất khó thực hiện, bởi khi thực hiện theo quy định luật đất đai thì phải tiến hành đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.

Để dự án nhà ở thương mại thí điểm có tính khả thi, đại biểu đề nghị giai đoạn thí điểm nên giới hạn về quy mô diện tích, cụ thể: đối với khu vực đô thị diện tích tối đa không quá 20 ha và đối với khu vực nông thôn diện tích tối đa không quá 5ha.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm đã được quy định tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên việc không giới hạn điều kiện (diện tích, quy mô dự án….) là quá rộng.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Liên quan đến việc cho phép thí điểm với đất quốc phòng, đất an ninh, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ sự ủng hộ cho thí điểm. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông qua danh mục khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm đồng thời với việc thông qua danh mục, công trình, dự án thu hồi đất để chủ động.

Khi triển khai các dự án cũng phải theo các quy định chung của nghị quyết này, thực hiện sắp xếp tài sản công như Luật Đất đai, Luật Nhà ở... để bảo đảm tính chặt chẽ. Theo đại biểu, khi nghị quyết thông qua cũng cần có những nguyên tắc để có một thị trường bất động sản lành mạnh, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, tránh tạo ra sốt đất, vi phạm pháp luật.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, theo Luật Đất đai năm 2003, Luật Nhà ở năm 2005 sửa đổi năm 2010, Luật Đất đai năm 2013, cả 4 phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại đều được thực hiện, không bị hạn chế.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu giải trình tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Đến khi Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành, có hiệu lực, thì có 2 hình thức tiếp cận đất đai đã bị hạn chế, đó là hình thức tự thỏa thuận với người sử dụng đất và hình thức có quỹ đất để xin chuyển mục đích sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2024 kế thừa quy định này của Luật Nhà ở năm 2014, thậm chí còn quy định chặt chẽ hơn nữa.

Mục đích ban hành Nghị quyết lần này là để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai ở tất cả các địa phương trên cả nước, nhất là ở các địa phương, các tỉnh có thị trường bất động sản quy mô không lớn…

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu đề nghị lưu ý đảm bảo diện tích đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, có giải pháp ngăn chặn tiêu cực, đầu cơ, trục lợi chính sách hoặc để đất hoang hóa, đầu cơ vượt nhu cầu làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, gây hệ lụy cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Minh Khôi