UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành đề án tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp, phương hướng bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, không tổ chức cấp huyện, Thanh Hóa đã hoàn thiện sơ bộ bản đồ hành chính từ 547 xã, phường, thị trấn trước đây thành 166 xã, phường mới.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Tỉnh ủy Thanh Hoá (ảnh minh họa)

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; xem xét, bố trí các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã hiện nay, bảo đảm quy định, tiêu chuẩn của chức danh lãnh đạo, quản lý chính quyền địa phương ở ĐVHC cấp xã.

Sau khi hoàn tất công tác sắp xếp nhân sự và kiện toàn các bộ phận ở cấp xã, tỉnh sẽ áp dụng thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp huyện, thay thế cho mô hình ba cấp truyền thống vốn đã tồn tại nhiều năm qua. Mục tiêu của bước thử nghiệm lần này là để đánh giá thực tiễn, phát hiện những vướng mắc, hạn chế, từ đó hoàn thiện cơ chế vận hành phù hợp với đặc thù địa phương.

Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp không chỉ giúp giảm đầu mối trung gian mà còn tạo ra sự linh hoạt, nhanh nhạy hơn trong công tác quản lý, giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương. Điều này cũng góp phần tăng cường sự minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả phục vụ người dân.”

Theo kế hoạch, thời gian vận hành thử nghiệm kéo dài từ ngày 15/6 đến 25/6, trong đó chính quyền các cấp sẽ tập trung rà soát quy trình, phân quyền nhiệm vụ rõ ràng hơn, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động quản lý và tương tác với người dân.

Đinh Huê