Theo ghi nhận tại các địa phương, việc lấy ý kiến Nhân dân diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, trên tinh thần dân chủ. Nhìn chung, quan điểm của người dân hầu hết là đồng thuận, ủng hộ cao với các phương án sắp xếp, thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
    |
 |
Người dân trên địa bàn thị trấn Thọ Xuân đồng tình với chủ trương của Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. |
Ông Thái Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân) cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Thọ Xuân; Chiều tối ngày 20 và ngày 21/4/2025, thị trấn Thọ Xuân đã tổ chức lấy ý kiến cử tri về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
"Trên cơ sở kế hoạch của huyện, thị trấn đã tổ chức lập danh sách cử tri đại diện các hộ gia đình; thành lập Ban chỉ đạo và 9 tổ lấy ý kiến theo địa bàn tổ dân phố, do Bí thư Chi bộ làm tổ trưởng, mỗi tổ gồm 7 thành viên. Chúng tôi đã tổ chức phát phiếu đến cử tri là đại diện hộ gia đình theo hình thức lấy ý kiến trực tiếp tại gia đình. Đến 16h ngày 21/4, thị trấn đã hoàn thành việc lấy ý kiến của 2.665/2.667 cử tri, còn 2 hộ đi làm ăn xa và có kết quả báo cáo huyện. Cơ bản nhân dân đồng tình ủng hộ với chủ trương. Còn một vài hộ có ý kiến về việc đặt trụ sở, chúng tôi cũng đã tiến hành giải thích, tuyên truyền và bà con cũng đã nhất trí." - ông Kiên thông tin.
    |
 |
Ông Thái Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân. |
Theo Đề án sáp nhập nguyên trạng xã Xuân Hồng, thị trấn Thọ Xuân, xã Xuân Trường và xã Xuân Giang thành lập xã Thọ Xuân. Sau khi sáp nhập có tên gọi mới là xã Thọ Xuân và đặt trụ sở làm việc tại Trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Thọ Xuân hiện nay.
Trước đó, ngày 19/4/2025, Huyện ủy Thọ Xuân tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện để thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và triển khai Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.
Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện Thọ Xuân sẽ thực hiện sắp xếp 30 xã, thị trấn (gồm 27 xã và 3 thị trấn) để thành 8 xã, giảm 22 đơn vị hành chính cấp xã. Về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân được thực hiện theo hai hình thức: phát phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn, hoặc tổ chức biểu quyết tại Nhà văn hóa thôn, khu phố.
Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp xã và cấp huyện sẽ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời hoàn thiện hồ sơ gửi về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trong ngày 23/4/2025.
Tại huyện Thiệu Hoá, tất cả các thôn, khu phố trong huyện đã đồng loạt tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện bằng hình thức phát phiếu đến từng hộ gia đình. Được biết, công tác phát phiếu, thu hồi phiếu được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch.
Huyện cũng đã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các tổ công tác, trực tiếp đến từng hộ dân phát phiếu và hướng dẫn ghi phiếu rõ rang. Đồng thời, các xã, thị trấn tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của phương án sắp xếp cũng như quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia ý kiến.
Thông tin từ UBND huyện Thiệu Hoá, tổng số hộ dân tham gia bỏ phiếu là 40,972 hộ, đạt tỷ lệ 99,10%. Trong đó, 98,08% người dân đồng tình với phương án sắp xếp đơn vị hành chính của huyện.
Sau khi sắp xếp, huyện Thiệu Hóa đã giảm từ 24 đơn vị hành chính xuống còn 5 đơn vị hành chính (tỷ lệ giảm 79,17%). Tên gọi 5 xã mới là: Thiệu Hóa, Thiệu Tiến, Thiệu Toán, Thiệu Trung và Thiệu Quang.
Việc lấy ý kiến cử tri không chỉ bảo đảm đúng quy định của pháp luật mà còn thể hiện rõ quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, của tỉnh và của chính địa phương.
    |
 |
TP Thanh Hoá tổ chức phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp tại gia đình. |
Đối với TP Thanh Hoá, tại hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND phường, xã, HĐND thành phố về chủ trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do Thành ủy TP Thanh Hóa tổ chức sáng 19/4, TP Thanh Hóa dự kiến tên gọi 7 phường sau sắp xếp ĐVHC là: Hạc Thành 1, Hạc Thành 2, Hạc Thành 3, Hạc Thành 4, Đông Sơn 1, Đông Sơn 2 và Đông Sơn 3.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 2188-CV/TU ngày 19/4/2025 về việc lãnh đạo, chỉ đạo đặt tên đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và đề nghị đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp trên địa bàn TP Thanh Hóa là: Phường Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Sơn, Đông Quang, Đông Tiến, Hàm Rồng, Nguyệt Viên.
Theo đó, UBND TP Thanh Hoá đã triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, từ ngày 19 đến ngày 21/4/2025. Đến nay 100% các phường, xã đã hoàn thành lấy ý kiến cử tri. Qua lấy ý kiến, cán bộ, đảng viên, cử tri và Nhân dân thành phố đồng thuận cao với chủ trương của Tỉnh ủy.
Ghi nhận vào sáng 21/4, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố Đại Từ 3 thuộc phường Đông Thịnh (TP Thanh Hóa), UBND phường Đông Thịnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân.
Theo đó, phường Đông Sơn là một trong 7 phường của TP Thanh Hóa, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Phường Đông Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 8 xã, phường gồm: Rừng Thông, Đông Thịnh, Đông Tân, Đông Hòa, Đông Minh, Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Ninh.
Nhân dân Tổ dân phố Đại Từ 3 đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ phương án sáp nhập cũng như cách đặt tên của phường mới. Tại hội nghị, đông đảo Nhân dân Tổ dân phố Đại Từ 3, phường Đông Thịnh đã bỏ phiếu đồng thuận chủ trương thành lập phường Đông Sơn.
Trong 2 ngày 21 và 22/4, toàn bộ các phường, xã trên địa bàn Tp Thanh Hoá cũng đã hoàn thành tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ông Đỗ Xuân Hùng, cán bộ ngành Giao thông (đã nghỉ hưu), trú tại phường Trường Thi, TP Thanh Hoá cho biết: Với phương án ban đầu dự định đặt tên phường theo số thứ tự thì người dân chúng tôi không đồng tỉnh ủng hộ. Việc đặt tên kèm theo đánh số thứ tự rất khô cứng, thiếu sự gắn bó về mặt tinh thần. Tuy nhiên, được biết đến nay lãnh đạo đã thống nhất cách đặt tên gắn với đặc trưng, đặc thù của từng vùng đất con người là rất phù hợp, gắn với cả chiều dài lịch sử, gắn với người dân. Bà con rất phấn khởi, vui vẻ và ủng hộ phương án này. Còn câu chuyện công sở ở đâu, xã nào sáp nhập với xã nào thì tôi thấy lãnh đạo đã tính toán rất kỹ về không gian phát triển, diện tích, dân số…đều hoàn toàn phù hợp.
Trong hội nghị lắng nghe ý kiến của Nhân dân tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá diễn ra chiều nay (ngày 22/4), Bí thư tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Doãn Anh đã nhấn mạnh: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp phải được thực hiện đồng bộ, bài bản, gắn với cải cách hành chính, phù hợp thực tiễn, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo thành công. Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phải gắn với cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương với tinh thần vì sự ổn định và phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiệu quả và hiện đại hơn.
Trong bối cảnh cùng cả nước nỗ lực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã “vừa chạy vừa xếp hàng”, TP Thanh Hóa là đô thị lớn nên việc lắng nghe ý kiến của Nhân dân là rất cần thiết để cấp ủy, chính quyền có những quyết định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân. Tên gọi các phường sau sắp xếp không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của thành phố mà còn thể hiện niềm tự hào của người dân về vùng đất linh thiêng, hào hùng, đang từng ngày đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.