leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội sáng 9/11. 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế -xã hội và ngân sách; công tác phòng, chống COVID-19. 

Sớm chủ động nguồn và tiêm vắc xin cho toàn dân

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế; nhiều chương trình, gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được Quốc hội và Chính phủ đồng lòng triển khai đã thực sự là động lực quan trọng để cử tri và Nhân dân vững tin vượt qua đại dịch.

leftcenterrightdel
Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu thảo luận. 

Theo đại biểu, để đạt được phương châm chống dịch hiệu quả, Chính phủ cần nhanh chóng có đủ vắc xin bao phủ toàn dân kể cả đối tượng là trẻ nhỏ. Việc bao phủ vắc xin sẽ giúp cho người dân dù có nhiễm COVID thì người bệnh cũng ở thể nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh đó, đại biểu Luyến kiến nghị cần sớm phổ biến những thuốc đặc trị COVID hiện được thử nghiệm và đánh giá rất tốt, nhằm giúp người bị nhiễm COVID nhanh chóng khỏi bệnh trong vòng từ 5 – 7 ngày; cần có giải pháp để từ năm 2022, Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin theo nhu cầu đặc biệt là nguồn vắc xin trong nước để chúng ta chủ động trong phòng, chống dịch và giảm được chi phí mua vắc xin.

leftcenterrightdel
Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu thảo luận. 

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Ngọc Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng.

Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu bào chế và sản xuất vắc xin trong nước để Việt Nam chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.  

Tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao

Qua thực tế trực tiếp đi chống dịch ở nhiều địa phương và đúc rút kinh nghiệm phòng, chống dịch ở châu Âu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định kiến nghị cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị COVID tấn công, như người già, người có bệnh nền không ổn định, phụ nữ có thai,... bảo vệ các cơ sở y tế, các viện dưỡng lão để không trở thành các ổ dịch, tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận. 

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cần chú trọng việc triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị COVID trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì trong triển khai lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu phần mềm các App ứng dụng cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết của y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh, cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng “đầu voi đuôi chuột” của những phần mềm trước đây.

Về phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu cũng nhấn mạnh, phải mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ Zero COVID. Đồng thời, cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện, quận, xã, phường. Đại biểu đề nghị phải đưa các mục tiêu cụ thể vào trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022...

Vũ Cảnh