leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 25/7.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, sáng nay (25/7), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. 

Phải làm sao để cách ly mà không tách rời

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua, nhiều đại biểu ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời cho rằng sự hợp tác, đoàn kết, đồng lòng của người dân trong việc chấp hành các quy định của cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. 

Phát biểu trong phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, Chính phủ đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan là rất phù hợp, hiệu quả. Thời gian qua, nhiều địa phương đã có cách làm rất sáng tạo, khoa học trên cơ sở nắm chắc tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ xâm nhập lây lan của dịch, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp, góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân…

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận. 

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, thời gian qua xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến điểm cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu vì mỗi tỉnh một quy định.

 Đại biểu tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả, phải làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế mới là quan trọng. Về vấn đề này, đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và yêu cầu dừng áp dụng biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây nguy cơ làm gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn…

Tin tưởng vào chiến lược vắc xin của Chính phủ

Cùng với đó, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân rất quan trọng khiến công tác chống dịch đạt hiệu quả chính là việc huy động sức dân. Trong suốt thời gian chống dịch, hoạt động kinh tế bị chậm lại nhưng phong trào tương thân tương ái, đóng góp cho phòng, chống dịch thì lại nở rộ khắp nơi trên khắp cả nước, đặc biệt là phong trào ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Qũy vắc xin…

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, vắc xin chính là giải pháp quan trọng mấu chốt, là cứu cánh trong thời điểm hiện tại, đảm bảo sự thành công trong công cuộc phòng, chống dịch.

leftcenterrightdel
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum. 

Ngay từ thời điểm đầu khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chủ động đàm phán mua vắc xin, đồng thời chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Mặc dù hiện tại tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin còn thấp do diễn biến phức tạp của đại dịch trên thế giới và khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu vắc xin của các quốc gia còn hạn chế nhưng cử tri và dư luận đã rất tin tưởng và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.  

“Cả nước luôn mong Chiến lược vắc xin của Chính phủ sẽ thành công và tin tưởng mục tiêu 150 triệu liều để tiêm cho 70% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và việc sản xuất vắc xin trong nước sẽ trở thành hiện thực trong thời gian gần nhất” - Đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh. 

Ấm lòng người dân thành phố mang tên Bác

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh), đại dịch COVID-9 diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày chống dịch với nhiều căng thẳng, cam go. Nhưng trong những gian khó đó, người dân TP. Hồ Chí Minh đã cảm nhận sâu sắc sự cảm thông, sẻ chia ấm lòng, cảm nhận tình người, tình đồng chí, đồng bào từ người dân, doanh nghiệp trên mọi miền đất nước.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhắc đến những chuyến nông sản, rau, củ, quả thu hoạch vội, hải sản được đánh bắt ngoài biển khơi, những bó rau thơm ấm tình dân tộc đã nhanh chóng được đóng gói, chuyển vào thành phố kèm theo những lời sẻ chia. Những chuyến hàng hỗ trợ đã chuyển đến tận tay những người khó khăn, người nghèo, người yếu thế, người trong khu cách ly, phong toả…

“Không thể kể xiết tấm lòng tình cảm của nhân dân, của đồng bào tôn giáo và kiều bào ta ở nước ngoài đã gửi đến, chia sẻ cùng thành phố. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh trân trọng cảm ơn nhân dân cả nước luôn dõi theo tình hình COVID-19 tại thành phố, hỗ trợ vật chất, tinh thần, nguồn nhân lực y tế, tiếp thêm sức, thêm năng lượng tích cực, giúp thành phố chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân”- Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Vũ Cảnh