Ngay sau phát biểu chào mừng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in và phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug, Hội nghị đã tiến hành Phiên họp toàn thể thứ Nhất, thảo luận về các vấn đề chính trị-an ninh. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu thông qua hình thức ghi hình trực tuyến tại Phiên họp toàn thể này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tình hình chính trị, an ninh toàn cầu và khu vực trong thời gian qua có nhiều chuyển động mới, phức tạp, cạnh tranh giữa các nước gia tăng mạnh mẽ.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thông qua hình thức ghi hình trực tuyến tại Phiên họp toàn thể sáng 14/12 (ảnh: VPQH cung cấp). 

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những hệ quả tiêu cực về y tế, kinh tế-xã hội trên quy mô toàn cầu, tác động nhiều mặt lên đời sống quốc tế với những hệ lụy sâu rộng, lâu dài. Cùng với đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, năng lượng, bất bình đẳng, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và khả năng tự cường của mỗi quốc gia, đe dọa nền hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của khu vực, trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia và người dân ở châu Á-Thái Bình Dương đã nỗ lực tổ chức, phối hợp thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung, nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Ngoại giao nghị viện và đặc biệt những hoạt động của APPF đóng vai trò không thể thiếu trong việc đề cao pháp quyền, tăng cường hợp tác, thúc đẩy xây dựng khuôn phổ pháp lý, quyết định, giám sát thực hiện các cam kết quốc tế của chính phủ và động viên sự ủng hộ của người dân trên các vấn đề này.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ đề chung của Hội nghị và những nội dung nghị sự của Phiên họp về các vấn đề Chính trị và An ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của APPF và nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khác; phối hợp chặt chẽ với Quốc hội các nước củng cố hệ thống đa phương, thúc đẩy hợp tác hướng tới xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng.

Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất 6 nội dung hợp tác.

Một là, tăng cường hành động nghị viện và giám sát thực thi các chính sách của Chính phủ thành viên APPF trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và trên thế giới nhằm thực hiện những Kế hoạch, Tầm nhìn, đặc biệt là Tầm nhìn về quan hệ đối tác nghị viện đến năm 2030 đã được thông qua năm 2018; ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động hợp tác của APEC trong việc triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường, hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Hai là, tăng cường hợp tác đa phương nhằm ngăn ngừa các nguy cơ xung đột, tìm kiếm các giải pháp đối với các vấn đề an ninh, tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế các hành động đơn phương và tuân thủ luật pháp quốc tế; kêu gọi các Nghị viện thành viên APPF hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, trong đó xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không. Từng quốc gia cần phát huy tinh thần trách nhiệm, kiềm chế không tiến hành các hoạt động gây phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng, giải quyết các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS);

Ba là, các Nghị viện APPF tích cực kêu gọi cộng đồng quốc tế, nghị viện các nước và thúc đẩy Chính phủ tăng cường hiệu quả hợp tác trong phòng, chống đại dịch COVID-19, thu hẹp khoảng cách tiếp cận công bằng nguồn vaccine, ngăn ngừa và giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong đó có vũ khí hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải và an ninh mạng.

Bốn là, tăng cường hợp tác liên nghị viện trong các vấn đề an ninh phi truyền thống khác trong đó có biến đổi khí hậu, thúc đẩy và hỗ trợ Chính phủ thực hiện các cam kết nhất là Thỏa thuận Glasgow, Thỏa thuận Paris, các cam kết sáng kiến khác về cắt giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ sạch, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ mọi mặt cho các nước đang phát triển trong quá trình này.

Năm là, thúc đẩy hợp tác lấy người dân làm trung tâm và hướng tới người dân bằng cách bảo đảm các thành tố an ninh con người, chia sẻ các lợi ích an sinh xã hội từ quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm mọi thành phần trong xã hội nhất là phụ nữ, trẻ em, người già và các nhóm dễ bị tổn thương được hưởng những lợi ích rõ ràng từ thương mại, đầu tư tự do, rộng mở và quá trình hội nhập kinh tế công bằng, mang lại lợi ích chung cho các bên.

Sáu là, tăng cường sự tham gia của Quốc hội, nghị viện trong hoạch định và giám sát triển khai các chính sách theo cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội, xóa đói nghèo và các giải pháp toàn diện về y tế, an sinh xã hội dành cho người dân trong phục hồi đại dịch COVID-19, nền tảng quan trọng cho hòa bình, ổn định ở mỗi quốc gia và trong khu vực.

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng trong phiên toàn thể thứ hai về các vấn đề Kinh tế và Thương mại với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực” diễn ra chiều cùng ngày 14/12.

Vũ Cảnh