|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều ngày 13/6. |
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều ngày 13/6, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Việc sửa đổi Luật Thanh tra cũng là thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chưa phân biệt rõ giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chỉ ra rằng, theo Tờ trình của Chính phủ, một trong các hạn chế cơ bản của pháp luật hiện hành là chưa phân biệt rõ giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa pháp lý chung về kiểm tra mà hoạt động kiểm tra hiện nay được quy định ở một số văn bản chuyên ngành như Luật Trồng trọt (Điều 46), Luật Chăn nuôi (Điều 43), Luật Hải quan, Pháp lệnh Quản lý thị trường.
|
|
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. |
Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn chưa khắc phục tình trạng này, chưa xác định khái niệm về kiểm tra cũng như chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động kiểm tra. Điều 1 về phạm vi điều chỉnh không bao gồm hoạt động kiểm tra nhưng trong Dự thảo Luật lại có các quy định về kiểm tra như Điều 6, Điều 115 và tại các điều về thẩm quyền của Chánh thanh tra. Đại biểu cho rằng việc bỏ quy định hình thức thanh tra thường xuyên trong Dự thảo Luật chưa giải quyết được yêu cầu phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra nêu trên.
Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Trần Quốc Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Long An kiến nghị dự thảo Luật bổ sung thêm một chương quy định về công tác kiểm tra sau khi thanh tra, công tác hậu kiểm để theo dõi về quá trình thực thi kết luận thanh tra; bổ sung thêm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định về đoàn thanh tra liên ngành, mối quan hệ công tác, quy chế báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra liên ngành để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra liên ngành.
Có nên tiếp tục duy trì mô hình Thanh tra cấp huyện?
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương quan tâm về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính. Đại biểu nhất trí với quan điểm thứ nhất của cơ quan thẩm tra cho rằng việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện là cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn và đánh giá tác động kỹ hơn.
Trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 đưa ra những vướng mắc, bất cập, dẫn đến việc trong giai đoạn đầu của quá trình soạn thảo cơ quan chủ trì soạn thảo có đề xuất là không quy định tổ chức Thanh tra cấp huyện. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo thì một số ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mô hình này nên trong dự thảo hiện nay thì lại có mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện.
|
|
Đại biểu Vũ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. |
Tham gia thảo luận liên quan đến nội dung này, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ, về tổ chức của Thanh tra sở, Thanh tra huyện, Điều 30 và Điều 34 quy định Thanh tra sở, Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên là chưa phù hợp với thực tế. Vì hiện nay do biên chế không nhiều nên thường là Thanh tra sở, Thanh tra huyện bố trí biên chế thanh tra ít, không đảm bảo yêu cầu hoạt động của thanh tra.
Do đó, để đảm bảo yêu cầu thanh tra thường phải thực hiện biệt phái công chức. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm công chức thanh tra thành Thanh tra sở, Thanh tra huyện và Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức thanh tra.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến cụ thể về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; về các hình thức thanh tra; về mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật…
Tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều rất thiết thực, cụ thể, sâu sắc, rõ ràng, bao quát toàn diện các nội dung của Dự thảo Luật. Theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Dự thảo Luật này. Các đại biểu đã nêu thêm và phân tích sâu sắc, kỹ càng những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua.