leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 24/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 97,37% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết của UBTVQH cho thấy, về phạm vi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát thận trọng và đặt trong mối quan hệ với các luật, dự thảo luật liên quan, đặc biệt một số chính sách liên quan đến các Dự thảo luật đang sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... để bảo đảm tính hợp lý.

Về phân bổ và bố trí vốn đầu tư công, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng nguồn tăng thu NSĐP để bố trí cho các dự án đầu tư công mới, vì việc sử dụng nguồn thu này đã được quy định tại Luật NSNN và Luật Đầu tư công. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định nội dung này tại Dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND, các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xác định tiêu chí, lựa chọn đối tượng cho vay từ ngân sách Thành phố. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm tính minh bạch, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý, bổ sung quy định HĐND quy định “mức hỗ trợ, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ” tại Dự thảo Nghị quyết và Mặt trận Tổ quốc cùng các cơ quan, đại biểu dân cử có thẩm quyền giám sát việc thực hiện.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia biểu quyết ngày 24/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, có ý kiến đề nghị nghiên cứu phạm vi áp dụng rộng hơn đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư trở lại cho các công trình, dự án.

UBTVQH nhận thấy, ý kiến ĐBQH là xác đáng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi áp dụng đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư trở lại cho các công trình, dự án như ý kiến của ĐBQH.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm trong tuân thủ quy hoạch và nguyên tắc bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết, bổ sung quy định cần bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi bị thu hồi đất.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) (khoản 5), có ý kiến đề nghị bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP đối với cả lĩnh vực y tế, giáo dục mà không áp dụng định mức.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tạo sự chủ động cho Thành phố trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỷ đồng trở lên, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định tại Dự thảo Nghị quyết giao HĐND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa. Quy định này được thể hiện tại điểm b khoản 5 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội ngày 24/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về tài chính, ngân sách, một số ý kiến đề nghị thực hiện như quy định hiện hành, theo đó giữ nguyên mô hình tổ chức của HFIC và nộp toàn bộ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sau khi trích lập các quỹ vào NSNN.

Với tính chất là Quỹ đầu tư phát triển địa phương, để thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ chính trị về tạo quyền chủ động, tăng cường nguồn lực cho Thành phố. UBTVQH xin Quốc hội cho phép HFIC được giữ lại lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, có ý kiến cho rằng, cần cập nhật các quy định để thống nhất với quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát và thấy rằng, quy định tại Dự thảo Nghị quyết tương đồng với quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho áp dụng thí điểm trước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm sinh kế cho người dân bị thu hồi đất.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý, bổ sung quy định “bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng” tại điểm b khoản 5 Điều 6 Dự thảo Nghị quyết.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc không quy định tại điểm a khoản 8 Điều 7 vì có thể vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo ra tiền lệ chính sách không tốt và một môi trường thu hút đầu tư nước ngoài thiếu lành mạnh.

UBTVQH nhận thấy, ý kiến ĐBQH là hợp lý và xin tiếp thu, theo đó, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết và không quy định nội dung này. Trường hợp cần tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở tuân thủ pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về tổ chức bộ máy của Thành phố, một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì bộ máy Nhà nước hiện nay đang cần thực hiện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với việc giảm số lượng cấp phó. Để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên.

Về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức, có ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù, vượt trội của thành phố Thủ Đức chưa được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết, không rõ vai trò của UBND thành phố Thủ Đức.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chính sách thực sự nổi trội để thành phố Thủ Đức phát triển hơn nữa trong thời gian thích hợp…

Vũ Cảnh