Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đồng bộ
Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đó là việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có chủ trương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, lão thành cách mạng, nhân dân đánh giá cao hiệu quả của việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng Đảng và các đột phá trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thời gian qua. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng triển khai mạnh mẽ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm, cán bộ cấp cao, đương chức và nghỉ hưu bị xử lý nghiêm minh. Điều này cho thấy sự quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, không ngơi nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ được nhân dân, dư luận hoan nghênh, ủng hộ.
Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, “việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, tham nhũng, tiêu cực có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, trọng tâm, là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Báo cáo kết quả 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua cho thấy, số lượng cán bộ cao cấp bị kỷ luật rất nhiều, trong đó nhiều người bị khởi tố. Điều đó chứng tỏ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta ngày càng tiến triển theo hướng tích cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, đang giữ chức vụ gì nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Việc kỷ luật, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, đúng kỷ cương, phép nước. Minh chứng gần đây là vụ sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và AIC, trong đó có cả người từng là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã bị điều tra, xử lý nghiêm. Nhiều đối tượng khi bị phát hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài, bị truy nã quốc tế đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, xét xử, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng được củng cố.
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc cũng chia sẻ, ông cảm thấy rất đau lòng khi những cán bộ, Đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có những người từng giữ các vị trí cao ở các ban, bộ, ngành. Nhưng cần thiết phải làm, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin trong nhân dân.
Kiểm soát quyền lực ngăn chặn tham nhũng
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV đánh giá cao vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Sự nhất quán, kiên quyết trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ. |
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, kiểm soát quyền lực người đứng đầu để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Những hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm.
Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban Kiểm tra Trung ương vui mừng cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới, các tầng lớp nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.
Việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là một trong các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh. Tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước là nội dung cần chú trọng để hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.