leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Minh Nhật

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, thời gian qua, báo chí đã phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả các nội dung: Tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nêu bật tấm gương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chủ trương này, phê phán những biểu hiện lãng phí.

Đặc biệt, có rất nhiều tác phẩm báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; khuyến khích tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp. Nhà nước đã có các chính sách, văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, đến nay việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng có nhiều kết quả. Ông Dũng cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí tích cực truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng hiệu quả trong xã hội theo tinh thần như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đó là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải được coi là quốc sách, là trách nhiệm của toàn xã hội”.

Để tăng cường vai trò báo chí trong tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân dân cho rằng, theo dự báo của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan...Bởi vậy, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, thực hiện sự phát triển bền vững trong điều kiện mới là yêu cầu và xu hướng thời đại trên phạm vi toàn cầu.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng GDP, cải thiện chất lượng sống gắn liền với mục tiêu giữ gìn, tái tạo lại môi trường, đảm bảo đạt được trạng thái cân bằng giữa ba yếu tố là: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau.

Đây cũng một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 (khẳng định lại tại COP27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Để tăng cường vai trò báo chí trong tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng cả cấp vĩ mô, cũng như vi mô, trước mắt và lâu dài, cần chú ý làm tốt một số nhiệm vụ như: thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, cần đồng bộ hoá nội dung và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, cụ thể: Cần chú ý xây dựng kế hoạch, các chiến dịch và chương trình tuyên truyền theo cấp độ quy mô, đối tượng, thời gian và nội dung cụ thể cho mỗi cơ quan báo chí và toàn hệ thống báo chí quốc gia có nội dung trọng tâm, chuyên đề, chuyên mục dung lượng lớn, thường xuyên, với các hình thức tuyên truyền đa dạng, thích hợp.

leftcenterrightdel
 Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, các chuyên gia đã nêu ý kiến về nâng cao hiệu quả tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm. Ảnh:Minh Nhật

Nội dung tuyên truyền của báo chí cần tập trung vào: Tuyên truyền, làm rõ các nội dung quy định về luật pháp, chủ trương, chính sách Nhà nước và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nổi bật là Nghị quyết số 55-NQ/TW, Chỉ thị số 29/CT-TTg về phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia bền vững…

Coi trọng tổ chức thường niên các cuộc thi viết và trao giải thưởng quốc gia và các cấp độ khác về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, trực tiếp và gián tiếp, góp phần thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao; ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong sản xuất và tiêu dùng xã hội...

Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí cần phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành địa phương liên quan để tổ chức tốt Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm.

Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách và quy định pháp quy liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin; hài hoà hơn các góc độ thông tin, cân bằng hơn quyền và trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và xã hội; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác tuyên truyền và quản lý tăng trưởng xanh; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ và truyền thông về phát triển kinh tế xanh, bền vững; đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm chất lượng thông tin truyền tải và thông điệp chuyển giao ra xã hội; không thể vì tiền mà uốn cong ngòi bút, dung túng cái sai và bảo kê tiêu cực; không thể coi nhẹ chất lượng thông tin, tạo dựng và sử dụng  thông tin “rác”, méo mó, xuyên tạc. 

Bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý quy trình sản xuất và phân phối nội dung, các cơ quan báo chí cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia nối mạng toàn quốc phục vụ công tác tuyên truyền và quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ và truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;…

Còn theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự, hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ, các sự kiện lớn như: Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Giải Báo chí toàn quốc “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2013”; hay Chiến dịch giờ trái đất... 

Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy trì các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững. 

Đồng thời, cần có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, gắn chặt với chiến lược về quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong từng thời kỳ và từng thời điểm. Báo chí chỉ có thể góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu ưu tiên trong quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng khi nắm rõ đó là gì? Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Bởi vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên từ các cơ quan chuyên ngành lĩnh vực năng lượng. 

Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chuyên ngành quan tâm việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền lĩnh vực này…

Minh Nhật