|
|
Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh trước dịch bệnh. Ảnh:VGP |
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương.
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo quốc gia triệu tập cuộc họp trực tuyến toàn quốc để đánh giá tình hình, phân tích các nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp mục tiêu cho thời gian tới, trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo quốc gia và các ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã thống nhất cách làm, mục tiêu, lộ trình thực hiện, triển khai các giải pháp một cách chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, phù hợp, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ các biện pháp trọng tâm trong thời gian tới, mà trước hết là tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh trước dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, kiên trì cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ, khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong.
Một mục tiêu quan trọng khác là về tiêm vắc xin. Cụ thể, phấn đấu tới 15/12 và chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền.
Phấn đấu tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
|
Tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết 128 theo đúng tinh thần an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phù hợp diễn biến, tình hình theo từng thời kỳ và từng biến chủng. Kiên trì thực hiện nhất quán trên toàn quốc các quy định của Nghị quyết 128, kiên trì thực hiện 3 trụ cột trong phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K+vắc xin+thuốc+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Bộ Y tế hướng dẫn về việc tự xét nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương không được ban hành các biện pháp trái quy định của trung ương, nếu triển khai các quy định khác với nguyên lý chung hoặc nếu thấy các biện pháp của trung ương không phù hợp tình hình thực tiễn thì báo cáo ngay Ban Chỉ đạo trung ương để bổ sung, điều chỉnh.
Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những địa phương được doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá cao thì vẫn còn một số địa phương triển khai các quy định không phù hợp, nhất quán.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vắc xin và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin để đạt mục tiêu đề ra. Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tiêm vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vắc xin, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố; khẩn trương rà soát, tiêm ngay cho các đối tượng chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao để quản lý, tiêm vắc xin, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời...
Đồng thời, phải có kế hoạch cụ thể về bảo đảm cung ứng thuốc điều trị, các địa phương đề xuất, Bộ Y tế tổng hợp, tập trung chỉ đạo việc bảo đảm nguồn, phân bổ kịp thời thuốc điều trị; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu. Tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 trong nước, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Triển khai ngay các cơ chế, chính sách liên quan sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý để đáp ứng ngay nhu cầu thuốc điều trị cho nhân dân, nghiên cứu xã hội hóa việc cung ứng thuốc, bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cân đối nguồn lực để tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; Bộ Y tế chủ động triển khai các công việc theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền, nếu cần thiết. Cùng với phòng chống dịch, phải bảo đảm việc khám, chữa các loại bệnh khác cho nhân dân.
Về sản xuất, kinh doanh, các địa phương phải bàn bạc, thảo luận với các doanh nghiệp và người dân để triển khai các biện pháp, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các cơ quan, địa phương sớm đề xuất cụ thể về vấn đề nhà ở cho công nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần, số mắc cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành phố). Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vắc xin phòng COVID-19; đã tiếp nhận 156,4 triệu liều; đã phân bổ 143,4 triệu liều (còn khoảng 13 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng). Cả nước đã tiêm được 131 triệu liều; tỉ lệ bao phủ mũi 1 ít nhất là 96,4% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 76,5% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 57 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi (đã tiêm được 6,4 triệu liều); tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều là 57,3% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 12,7% dân số từ 12-17 tuổi.
|